Thực Dưỡng ・

Vì Sao Cá Hồi Bơi Ngược Dòng? (P1)

Anh Yu 15 Thg 08

XEM NHANH

    Cá hồi đẻ trứng ở đầu nguồn con sông, cá con lớn lên và bơi ra biển trong quá trình trưởng thành. Khi đã trưởng thành, chúng bơi ngược lại con sông cho đến khi chúng tới được nơi chúng đã sinh ra đầu tiên. Chúng đẻ trứng và rồi chết đi ở đó. Chúng sống toàn bộ cuộc đời ở biển giống như cuộc đời của chúng ta sau bài học ở trường đời.

    Cuộc sống của con cá hồi và của con người không khác nhau mấy, ngoại trừ về cuối đời: Cuộc sống cuối đời của con người là nghỉ ngơi, còn của cá hồi thì là cuộc phiêu lưu. Nó bơi ngược dòng sông, nó phải chiến đấu với các loại cá to, với người đánh cá, với các dòng nước. Nó giành toàn bộ nỗ lực cho con cái. Sau khi đẻ trứng, nó chết.

    Một cuộc đời giản dị và trong sạch nhưng ngầm chứa trong nó là một sự hiểu biết lớn lao. Nó giống một người giác ngộ. Sự hi sinh cho con cái của nó mới lớn lao làm sao. Sự hiểu biết trật tự của nó mới lớn lao làm sao.

    Con người hiện đại coi tình dục như một trò giải trí. Việc sinh ra con cái là điều họ không mong muốn, chúng là những sản phẩm thừa sau cuộc vui chơi, tạo cho họ gánh nặng trong cuộc đời, được thôi, con người có thể làm được mọi điều họ muốn.

    Điều mà chúng ta học được từ cá hồi là nó SỐNG RẤT NỖ LỰC ĐẾN CUỐI ĐỜI trong khi con người chỉ muốn nghỉ ngơi vào cuối đời mà lui vào sống một cuộc đời hưu trí có bảo hiểm và tiết kiệm.

    Con người cần phải nỗ lực lớn hơn vào cuối đời như cá hồi. Nếu không cuộc sống sẽ mất sự hứng thú, chỉ là sự tồn tại.

    Cá ngược dòng và lá xuôi dòng

    Suốt dọc đường, chú tiểu chốc chốc lại trách móc sư già: “Ngồi trong thiền phòng niệm kinh thoải mái biết bao, tại sao nhất định phải ngàn dặm xa xôi ra ngoài hóa duyên kia chứ?”

    Đi đến bờ sông, chú tiểu nhìn thấy mấy con cá bơi ngược dòng, lại bắt đầu mượn đề tài phát huy: “Mấy con cá này ngốc thật, bơi ngược dòng, quả là tốn sức, quả là vất vả.”

    “Nhưng chúng đang hưởng thụ niềm vui đấy!” Sư già bảo.

    “Rõ ràng rất cực nhọc, làm sao vui vẻ được?” Chú tiểu lầu bầu.

    “Điều chúng hưởng thụ là niềm vui của sự phấn đấu!” Sư già đáp.

    “Bơi xuôi dòng chẳng phải an nhàn hơn, dễ chịu hơn ư? Chẳng phải có thể hưởng thụ niềm vui lớn hơn ư?” Chú tiểu cãi lại.

    “Con có nhìn thấy phiến lá vàng kia không?” Sư già chỉ một phiến lá vàng dập dềnh trên mặt nước nói: “Chỉ có những thứ đã chết mới trôi giạt xuôi dòng, mới hưởng thụ kiểu an nhàn và dễ chịu này mà thôi!”

    (Hoàng Tiểu Bình)

    salmon swimming upstream

    Hành trình của cá hồi – sự kiện vĩ đại của thiên nhiên

    Năng lượng của mặt trời làm biến chuyển các mùa, để rồi biến chuyển hành tinh chúng ta. Sự vận động của các dòng biển và luồng không khí tạo ra sự thay đổi lớn trong suốt cả năm. Và ở một vài nơi đặc biệt, những biến đổi theo mùa này tạo ra những cảnh tượng vĩ đại nhất trong thế giới tự nhiên trên Trái đất. Tại bờ biển phía tây của Bắc Mỹ, mỗi năm, vào mùa xuân một trong những kẻ di cư vĩ đại nhất Trái đất đang trở về nhà. Hơn nửa triệu con cá hồi từ biển Thái Bình Dương bắt đầu cuộc hành trình 3.000 dặm để trở về đẻ trứng trong dòng sông nơi chúng được sinh ra. Đi sâu vào đất liền, chúng không chỉ cung cấp thức ăn cho hàng triệu loài động vật, mà còn mang lại sự sống cho một số vùng đất trù phú nhất trên Trái đất.

    Số phận của những gia đình gấu và thực ra là tất cả loài gấu trong vùng Bắc Thái Bình Dương, đều phụ thuộc vào đàn cá hồi. Sau 4 năm sống tại biển, nửa tỉ con cá hồi Thái Bình Dương sẽ trên đường về nhà, trở lại nguồn nước ngọt để đẻ trứng trong các con sông nơi chúng được sinh ra. Làm sao đàn cá hồi có thể tìm được đường về nhà qua biển khơi vẫn còn là một điều bí ẩn. Chỉ gần đây, khoa học mới phát hiện ra rằng bộ não của cá hồi có chứa những phần tử sắt nhỏ, giống như một chiếc la bàn giúp chúng hướng theo được các đường từ trường của Trái đất, chỉ cho chúng thấy chính xác phải đi tới đâu.

    Động lực dẫn chúng tới những con sông là rất lớn. Trứng của chúng chỉ có thể sống sót trong môi trường nước ngọt. Tuy nhiên, vào cuối tháng 7, mực nước ngọt thường xuống quá thấp khiến chúng khó vào được những con sông nhỏ. Điều đó không ngăn được sự cố gắng của chúng. Nhưng chính nguồn nước đã kéo chúng trở về nhà cuối cùng lại giết chúng. Khi thận và các cơ quan khác của chúng phải điều chỉnh lượng nước biển thiếu đột xuất, chúng phải ngừng ăn và thậm chí là ngừng uống. Vì vậy năng lượng dự trữ trong cơ thể là những gì chúng có để tiếp sức cho chúng bơi ngược dòng và để đẻ trứng.

    Ngay khi chúng bắt đầu, thì chúng đã phải đối mặt với một thách thức khác. Nhưng 6 triệu năm tiến hoá đã giúp chúng có được những điều cần thiết. Cơ thể chúng là cả khối cơ rắn chắc và được sắp xếp hoàn hảo. Đối với một con cá hồi, vượt qua những thác nước thế này, cũng giống như chúng ta nhảy qua một toà nhà 4 tầng. Tuy nhiên, tại nhiều thác nước, ngoài nước ra, chúng còn có thứ khác nữa đang rình rập ăn thịt bất cứ lúc nào…

    Salmon School

    Quãng đường xa nhất mà cá hồi phải bơi ngược dòng là 2.000 dặm. Những cơn mưa mùa hè có thể ngắn, và khi tạnh mưa, mực nước trong nhiều sông dọc bờ biển hạ thấp nhanh. Khi nước xuống thấp, cá hồi phải tạm dừng di chuyển. Nhưng khi mưa trở lại, đàn cá giờ đây lại phải chiến đấu lại những dòng nước lớn. Nhưng chúng biết cách xoay chuyển tình thế dòng nước chảy xiết này thành lợi thế của riêng mình. Bằng cách từ từ quẫy đuôi, chúng cố gắng đẩy mình về phía trước, nhờ sử dụng năng lượng của dòng nước, cũng giống như cách một chiếc thuyền buồm xoay xở trong gió.

    Ngày càng nhiều cá tới chân thác nước. Cuốc cùng, chúng vẫn phải đi, bất chấp nguy hiểm phía trước. Nhưng chúng có thế mạnh về số lượng. Cứ mỗi con cá hồi bị tóm, thì có hàng trăm con khác qua được đàn gấu. Vào đầu tháng 9, hầu hết cá hồi đã đến được nơi sinh sản, tới một trong những rãnh nước nơi 4 năm trước chúng được sinh ra. Giờ đây, chúng đã đi sâu vào đất liền, xuất hiện từ vùng California cho tới biển Bắc cực, trải dài 1/5 toàn bộ lục địa Bắc Mỹ. Nhưng hành trình đó cũng phải chịu một phí tổn nặng nề. Cứ 1000 trứng nở ra, chỉ có 4 con tìm được đường trở về. Và ngay cả với những con đã tìm được đường về, vẫn còn nhiều nguy hiểm phía trước. Cuối cùng, chúng cũng đã tới được cuối chặng đường và chúng rất mệt mỏi và hao mòn đến độ chúng trở thành con mồi dễ dàng. Hiện giờ đàn gấu có đầy đủ lợi thế. Chúng thoả sức lựa chọn. Ở những nơi đẻ trứng tốt nhất, số cá hồi lên tới hàng ngàn trong mỗi một dặm sông.

    Mùa đẻ trứng bao giờ cũng là thời điểm thừa thãi, vì để đảm bảo cho sự sinh tồn của chính loài mình, cá hồi đã cung cấp thức ăn cho cả một bầy các loài khác. Những con hải âu Bonaparte đang lượm nhặt món khoái khẩu nhất trong mùa… đó là trứng cá hồi. Với loài gấu, mùa đẻ trứng của cá hồi là thời điểm huy hoàng trong năm. Nhưng với cá hồi, đó cũng là lúc huy hoàng của cả cuộc đời chúng. Khi tất cả đã đến đích, sẽ kết thúc những ngày tháng của mình tại chính nơi tạo khởi đầu cho chúng. Những hao mòn của hành trình dài giờ đây đang hiện rõ. Cơ thể chúng đã và đang suy nhược trong nhiều tuần nay và cuối cùng chúng đã thực hiện được nhiệm vụ sinh sản cuối cùng của mình. Nhưng cho dù chết đi, cá hồi vẫn tiếp tục làm lợi cho các loài động vật khác trong rừng. Con gấu mẹ và đàn con sẽ tiếp tục tích mỡ cho mình từ những cái xác này cho tới khi chúng sẵn sàng trở lên núi để ở lại trong hang vào tháng 11. Tại sao cá hồi Thái Bình Dương phải chết sau khi sinh sản vẫn còn là điều chưa rõ. Cá hồi Đại Tây Dương lại không vậy. Chúng quay trở lại hàng năm để đẻ trứng. Nhưng những cái xác đang rữa ra của cá hồi Thái Bình Dương cung cấp dưỡng chất cho các con sông, làm nguồn thức ăn dồi dào cho những quả trứng đang lớn lên của chúng. Và đó là điều có ý nghĩa đối với cá hồi. Tất cả những thử thách và nhọc nhằn của chúng đã đảm bảo cho thế hệ nối tiếp, khi chúng thoát ra từ quả cầu hồng đáng yêu kia, sẽ có mọi thứ chúng cần để bắt đầu hành trình phi thường này từ đầu. Nhưng gia tài của cá hồi còn trải rộng ra ngoài giới hạn sông suối. Chúng nằm tại trung tâm của một mạng lưới sự sống rộng lớn. Có hơn 200 loài chỉ riêng trong vùng rừng già, cây cối và côn trùng, chim và động vật có vú đều phụ thuộc vào cá hồi.

    spawning

     

    Rất có thể rằng loài cá hồi Thái Bình Dương, giữa thời điểm chúng sống trong biển và trong đất liền, đã nuôi sống nhiều loài hơn bất kỳ loài động vật nào trên trái đất. Và từ tài sản để lại của cá hồi, còn thêm một kẻ hưởng lợi nữa. Loài cá này là mối liên kết duy nhất giữa đại dương và rừng già. Được sinh ra trong môi trường nước ngọt, chúng sống cả đời ngoài biển khơi, và ở đó chúng gom góp dưỡng chất trong cơ thể chúng. Bây giờ, được gấu và chó sói tha đi rải rác, phần còn lại cuối cùng của chúng được nằm lại trong khu rừng. Nitơ, cácbon, và phốt pho mà chúng gom góp được trong đại dương giờ đây được giải thoát từ cơ thể đang thối rữa của chúng, cung cấp dưỡng chất để cho cây cối quanh vùng, gồm vân sam, tuyết tùng đỏ, và độc cần phương tây, đạt tới độ cao phi thường. Giờ đây ta biết được 80% lượng Nitơ trong những cánh rừng ven biển này nơi có cá hồi đẻ trứng có nguồn gốc từ đại dương, được chứa đựng trong cơ thể của đàn cá hồi hương. Cây cối có thể mọc cách đại đương hàng trăm dặm nhưng vẫn được nuôi nấng bởi nguồn dinh dưỡng giàu có của chúng. Những con sông vùng rừng già, giống như những mạch máu, chuyên chở dòng máu sự sống của cá hồi Thái Bình Dương đi khắp mọi nơi. Và không loài vật nào phụ thuộc vào chúng nhiều như loài gấu xám. Nhờ có hành trình vĩ đại của vô số cá hồi, mà số gấu con mới có thể trải qua được năm đầu khó khăn nhất của chúng. Gấu có sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ đông miễn là cá hồi Thái Bình Dương có thể tiếp tục hành trình trường kỳ của chúng. Một trong những sự kiện vĩ đại của tự nhiên.

    Chủ đề này rất thú vị, ở phần sau, chúng ta sẽ lý giải vì sao cá hồi bơi ngược dòng theo quan điểm Âm Dương! 🙂

    Anh Yu

    Xếp có ý. Chụp có tình [Đặt mua sách nấu ăn]

    Gửi

    Bài viết liên quan