Ẩm Thực Thế Giới ・

Bắt Đầu Tháng Chay Ramadan

Anh Yu 16 Thg 07

XEM NHANH

    Những người theo Đạo Hồi đã bắt đầu tháng chay Ramadan của năm nay bằng việc không ăn, uống, hút thuốc… từ lúc bình minh cho đến khi mặt trời lặn. Khái niệm “chay” trong tháng chay Ramadan được dùng để diễn tả trạng thái tinh thần thanh khiết chứ không phải khái niệm chay thường dùng: “ăn chay” – là ăn các món ăn thực vật, không ăn thịt động vật. Tháng chay Ramadan của đạo Hồi đúng ra là nhịn chay – vì không ăn, không uống, không đưa bất kỳ vật gì vào cơ thể (cả hút thuốc). Mọi sinh hoạt bình thường ban ngày được hạn chế, cách ăn mặc cũng chân phương hơn thường ngày, thậm chí họ được khuyến khích không đeo trang sức đối với phụ nữ và dùng nước hoa đối với đàn ông, vì đó là những phụ trang gây phân tán tư tưởng, không thể tập trung hoàn toàn vào thế giới của Thánh Allah. Đến ban đêm, việc ăn uống trở lại bình thường, ăn mặn chứ không phải ăn chay.

    Ở các nước Ả Rập và các quốc gia xem đạo Hồi là quốc giáo, trong tháng chay Ramadan, về ban đêm tại các khách sạn, nhà hàng, nhà riêng, các tín đồ Hồi giáo vẫn ăn uống linh đình, nhộn nhịp nhưng ban ngày phải nhịn ăn, nhịn uống. Tháng Ramadan cũng là dịp để các thành viên gia đình quây quần bên nhau, làm tăng sức cố kết giữa các thành viên, họ cùng ăn uống những bữa tiệc linh đình (vào ban đêm) cũng như cùng cầu nguyện. Một ngày lễ Ramadan được bắt đầu bằng một bữa ăn nhẹ lúc rạng đông, bữa ăn Suhoor theo tiếng Hồi giáo và kết thúc một ngày mọi người thường tắm nước lá thơm. Sau đây là những hình ảnh về món ăn trong Tháng Ramadan của người Hồi Giáo trên khắp thế giới.

    [IMG]

    Một người Hồi giáo Ấn Độ chuẩn bị các món ăn tại một quán ven đường ở Mumbai, Ấn Độ.

    [IMG]

    Sữa được rót vào những chiếc cốc để phục vụ cho những người mộ đạo vào bữa tối trong tháng lễ Ramadan, ảnh chụp tại thủ phủ Lahore, Pakistan.

    [IMG]

    Hình ảnh người dân Ai Cập mua trái cây tại một cửa hàng nhỏ tại Cairo trong tháng lễ Ramadan.

    [IMG]

    Một thành viên của đội cứu hộ Fairfax County Fire & Rescue (phía dưới, bên trái) và các tín đồ Hồi giáo khác đang dùng bữa tối Iftar tại trung tâm Hồi giáo Dar Al-Hijrah thuộc nhà thờ Falls, bang Virginia (Hoa Kì).

    [IMG]

    Một người Palestin đang trưng bày những chiếc bánh ngọt tại của hàng của mình ở thành phố Nablus, bờ tây sông Jordan.

    [IMG]

    Một người Hồi giáo Ấn Độ đang tách hạt quả lựu để chuẩn bị cho bữa tối Iftar dành cho các tín đồ Hồi giáo tại Mumbai.

    [IMG]

    Một người thợ làm mứt kẹo Afghanistan đang cầm trên tay món ăn ngọt truyền thống trong bữa ăn Iftar.

    Mùa chay là thời điểm để những người có niềm tin vào một tôn giáo nào đó tịnh tâm, sống chaytịnh và suy ngẫm về bản thân, hay là sám hối những tội lỗi mà mình đã phạm phải. Hồi đầu tuần trước, người Hồi giáo trên khắp thế giới đã bắt đầu tháng Ramadan. Trong tháng thứ chín theo lịch Hồi giáo, các tín đồ đạo Hồi sẽ phải kiêng khem đồ ăn, thức uống và tình dục từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn. Việc tuân thủ các quy định của tháng Ramadan là một trong 5 tín điều bắt buộc đối với người Hồi giáo, đây được xem là thời điểm để mỗi người sám hối, cầu nguyện và làm từ thiện. Trước lúc mặt trời mọc, mọi người sẽ ăn bữa đầu tiên trong ngày là gọi là Suhoor, để sau đó gần như nhịn ăn cả ngày. Khi mặt trời lặn, theo truyền thống người Hồi giáo sẽ có bữa ăn thứ hai trong ngày, đầu tiên là ăn 3 quả chà là, thực hiện buổi cầu nguyện Maghrib, và ăn bữa tối chính Iftar, nơi mọi người trong cộng đồng và gia đình tụ tập lại với nhau.

    [IMG]

    Một người Palestine xếp quả chà là để bán vào ngày đầu tiên của tháng Ramadan tại một khu chợ ở Ramallah, Bờ Tây, 10/07/2013.

    [IMG]

    Các nhân viên trong đền chuẩn bị thực phẩm để phân phát cho người nghèo và người Hồi giáo đến để ăn bữa tối đầu tiên của tháng Ramadan tại đền Noor, ở Nairobi, Kenya, 10/07/2013.

    [IMG]

    Một thợ bánh cầm khay bánh ngọt Ả rập tại tiệm bánh của anh ở thành phố Gaza, trước ngày bắt đầu tháng Ramadan, 09/07/2013.

    [IMG]

    Một người Palestine xếp bánh qatayef, loại bánh truyền thống ăn tráng miệng vào mùa Ramadan, để bày bán tại Ramallah, Bờ Tây, 10/07/2013.

    [IMG]

    Những bông hoa được để sẵn trong rổ cho du khách đi hành hương để thăm mồ mả cùng các thành viên gia đình trước tháng lễ Ramadan, ở Surabaya, Indonesia, 09/07/2013.

    [IMG]

    Một người phụ nữ bán quả chà là và ngũ cốc tại một khu chợ đường phố ở Abobo, ngoại ô Abidjan, Cote d’Ivoire, vào ngày đầu tiên của tháng Ramadan, 09/07/2013.

    [IMG]

    Một người Hồi Giáo ở Pakistan đang chuẩn bị bữa ăn “Iftar” – “Bữa xả chay của người Hồi Giáo” trong ngày đầu tiên của Tháng Ramadan 2011 tại một ngôi đền ở Karachi, 02/08/2011.

    [IMG]

    Chàng trang này đang nướng bắp và chờ đợi những khách hàng đến mua sau bữa ăn Iftar, ở Beylikduzu, một quận ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, 01/08/2011.

    [IMG]

    Một người đàn ông đang làm kẹo tại một cửa hàng ở Kabul, Afghanistan trong ngày đầu tiên của Tháng chay Ramadan, 31/07/2011. Ăn chay trong Tháng Ramadan là một trong năm hành vi tôn giáo bắt buộc đối với người theo Đạo Hồi, cùng với lễ hành hương về thánh địa Mecca, việc mà người theo Đạo Hồi phải thực hiện ít nhất một lần trong đời.

    [IMG]

    Các cậu bé người Trung Quốc ngồi chờ để được ăn bữa xả chay ở Bắc Kinh, 01/08/2011.

    [IMG]

    Các cậu bé phụ giúp mang thức ăn cho bữa xả chay trong ngày đầu tiên của Tháng Ramadan ở đền Jama, New Delhi, Ấn Độ, 02/08/2011.

    Một số thông tin khác về Tháng chay Ramadan:

    Việc thực hiện tháng chay Ramadan là một trong năm hành vi tôn giáo có tính bắt buộc để mỗi tín đồ đạo Hồi chứng minh mình là người Hồi giáo đích thực – nghĩa là người có niềm tin duy nhất vào Thánh Allah. Năm hành vi tôn giáo bắt buộc đó là:

    1- Lễ nguyện Salat (mỗi tín đồ cầu nguyện 5 lần một ngày).
    2- Tháng chay Ramadan (gọi là lễ Sawm).
    3- Zakah (Bố thí).
    4- Hajj (Hành hương về Thánh địa Mecca).
    5- Jihad (Thánh chiến để bảo vệ Hồi giáo).

    Về mặt tinh thần, tháng chay Ramadan nhuốm màu tinh khiết, đạo hạnh và thương yêu, là dịp để các cá nhân trau dồi phẩm hạnh. Về mặt tôn giáo, thực hành tháng chay Ramadan thực chất là thể hiện đức tin đối với Thánh Allah (thể hiện ở kinh Koran và những lời sấm truyền của sứ giả Muhammad đối với các tín đồ Hồi giáo) và cũng là một hình thức để chống lại Quỷ Shatan, thế lực mà người Hồi giáo cho là căn nguyên của mọi tội lỗi. Các tín đồ Hồi giáo tin rằng, tất cả những việc làm của họ đều có sự chứng giám của đấng tối cao và bằng sự thanh khiết cả về tinh thần và thể xác, họ có thể đến gần được Thánh Allah (về mặt tâm tưởng). Về mặt y học, thực hành tháng chay Ramadan thực chất là để khắc sâu trong tâm trí mọi người về tính kỷ luật và khả năng tự kiềm chế, đặc biệt trong ăn uống để hạn chế bệnh béo phì. Người Hồi giáo ý thức được rằng, béo phì là nguyên nhân của mọi ốm đau và bệnh tật của loài người.

    Tất cả các tín đồ Hồi giáo đều được khuyến khích tham gia tháng chay Ramadan, càng khổ hạnh càng chứng tỏ đức tin. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ, binh lính đang tham gia chiến trận, người ốm, người già, trẻ em và phụ nữ mang thai được miễn tham gia vào tháng chay. Thực hành tháng chay Ramadan mang tính khuyến nghị chứ hoàn toàn không bắt buộc, nhưng trên thực tế gần như tất cả các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới đều tuân thủ. Tuy nhiên tại một số vùng, các tín đồ Hồi giáo vẫn còn những quan niệm sai lầm về nghi lễ Ramadan, họ tham gia có phần miễn cưỡng. Những người này tự giam mình trong các phòng kín và gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”, số ít người lo sợ sự quở trách của Thánh Allah đã vùng dậy cầu nguyện, nhưng sau đó lại tiếp tục chìm vào giấc ngủ dài cho đến hết ngày hôm đó. Kết quả là sau tháng chay Ramadan, họ trở nên mệt mỏi và chậm chạp cả về thể xác, tinh thần và trí tuệ.

    Trong tháng chay Ramadan, nhiều nghi lễ đặc biệt của người Hồi giáo được tiến hành. Bắt đầu tháng Ramadan một nghi lễ long trọng được tổ chức. Lễ ban ơn Sadagat-ul-Fitr được tổ chức vào ngày thứ 30 để kỷ niệm kết thúc tháng lễ Ramadan, mỗi tín đồ Hồi giáo được ban tặng 7 đô la. Ngoài ra, vào giữa tháng, một lễ cầu nguyện tập thể cũng được tổ chức.

    Kinh Koran còn ghi lại rằng trước đây trong tháng Ramadan, các tín đồ Hồi giáo còn có nhiệm vụ truyền bá đức tin ra bên ngoài, tức là xây dựng và giáo dục về lòng tin đối với Thánh Allah cho những tín đồ còn “dao động”, sau này theo đề nghị của sứ giả Muhhammad, hoạt động này được bỏ đi trong tháng lễ, bởi ông lập luận đức tin và tôn giáo là mang tính tự nguyện.

    Cũng như tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới, tại thành phố Hồ Chí Minh, bà con tín đồ đạo Hồi (chỉ có trên năm ngàn người, hầu hết là dân tộc Chăm, một số rất ít chưa tới một trăm người Ấn, Indonesia, Malaysia sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh) cũng thực hành tháng chay Ramadan theo lịch chung của Hồi giáo thế giới. Từ nhiều năm qua, đến tháng Ramadan, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đều có đoàn đến thăm, tặng quà Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo thành phố và Ban Quản trị thánh đường Hồi giáo tại các quận, huyện. Tại các quận, huyện nơi có thánh đường Hồi giáo, cũng có các đoàn thay mặt Đảng, mặt trận, chính quyền và Ban Tôn giáo đến thăm, tặng quà các vị trong Ban Quản trị, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tổ chức tốt tháng chay Ramadan. Cộng đồng Hồi giáo thành phố sống tập trung vào 15 khu vực ở 15 quận, huyện nơi có thánh đường hoặc tiểu thánh đường. Tại mỗi khu vực có một ban quản trị để trông nom thánh đường, tổ chức các ngày lễ, các buổi lễ nguyện.

    Nguồn: tinhte.vn, boston.com

    Anh Yu

    Xếp có ý. Chụp có tình [Đặt mua sách nấu ăn]

    Gửi

    Bài viết liên quan