Thực Dưỡng ・ Nhập Môn Thực Dưỡng ・

Diễn Giải Sinh Vật Học Theo Thuyết Âm Dương

Hoàng Ngân 19 Thg 04

XEM NHANH

    Chúng ta sẽ xem xét Luật Vô Song trong lãnh vực sinh vật học. Theo thuyết Âm Dương, các sinh vật cũng như các vật thể trong thiên nhiên tuân theo những qui luật chung của thế giới vật lý, vật chất. Ở đây, thuyết này không chấp nhận đặt thêm giả thuyết như trong hóa học; sự di truyền, tiến hóa, đấu tranh sinh tồn, thích nghi, v.v… đều quy về nguyên nhân tối hậu là hai hoạt động Âm và Dương.

    Rong biển và sự phân bố các loại rong biển

    Các loại rong biển đen sậm như hiziki sống ở đáy biển sâu. Người Âu châu không biết những loại rong này, nhưng người Nhật rất thích và dùng trị bệnh. (Nhiều thứ diễn ra ở phương Đông không được người Âu châu biết đến trong khoa học hiện đại. Thí dụ Thực vật học phương Tây trước năm 1930 cho rằng các loạt hạt không nảy mầm dưới nước; nhưng hạt gạo nuôi dưỡng các dân tộc phương Đông lại lên mầm tốt tươi trong nước).

    Có người hẳn cho rằng rong biển thích nghi với môi trường là bóng tối (trong đáy nước sâu). Nhưng đấy không phải là sự thích nghi tự ý của rong biển, cần nói rằng ánh sáng thiếu bức xạ dài (hoạt động Dương) (80% bức xạ dài bị một lớp nước Âm dày 1 mét hấp thu, và qua một lớp nước dày 20 mét thì bị hấp thu hoàn toàn 100%) chỉ có thể duy trì sự sống của những loại rong biển Dương trong môi trường rất Âm này. Nói cách khác, các sinh vật được môi trường sinh sản và nuôi dưỡng.

    Vài loại rong biển ở Nhật

    Vài loại rong biển ở Nhật

    Theo nguyên tắc, mỗi loài sinh vật phải là tạo vật đặc thù của một môi trường đặc biệt. Cái phân biệt và ấn định tính chất của môi trường không gì khác hơn là sự biểu lộ những tương tác phức tạp của hai hoạt động Âm và Dương. Sinh vật cùng loài có thể xuất hiện đồng thời tại một nơi nào đó và ở vùng đối diện bên kia trái đất, nếu có những điều kiện (môi trường) giống nhau. Không thể cho rằng tất cả các loài phát sinh từ cùng một nguồn gốc vào một thời kỳ nhất định ở một nơi nào đó.

    Nếu có những quan hệ mật thiết giữa các loài, đấy là vì chất liệu (của vũ trụ và vạn vật) cũng như lực sinh sản (tất cả các yếu tố vật lý) và phòng bào chế (trái đất) giống nhau ở mọi nơi.

    Ấn định giới tính và sinh sản đơn tính

    Lấy 100 quả trứng gà chia ra hai loại Âm và Dương rất dễ. Không cần nói cũng biết những quả thuộc loại Âm có dạng thuôn dài và những quả thuộc loại Dương tròn hơn. Những quả loại đầu là con trống, những quả loại sau là con mái, vì Âm sinh Dương, và Dương sinh Âm. Đấy hoàn toàn không phải là vấn đề xác suất “có thể đúng”; chỉ nơi con người mới có xác suất. Kế đó, hóa học sẽ chứng minh những quả trứng dài chứa nhiều nguyên tố Âm (K là tiêu biểu) hơn những quả tròn; trái lại, những quả tròn chứa nhiều nguyên tố Dương (Na là tiêu biểu) hơn những quả dài. Tương tự, tinh trùng (của đàn ông) là dài, trong khi trứng (của đàn bà) hình tròn. Nếu sức sống của trứng mạnh hơn sức sống của tinh trùng, sự kết hợp của chúng sẽ sinh ra giới nam; trái lại, nếu sức sống của tinh trùng mạnh hơn, khi kết hợp sẽ sinh ra giới nữ.

    Đàn bà (Âm) tạo ra trứng (Dương), và đàn ông (Dương) tạo ra tinh trùng (Âm).

    Tinh trùng đổ xô vào trứng

    Tinh trùng đổ xô vào trứng

    Những điều kiện khí hậu và địa lý, những yếu tố và tác nhân không thể đo lường đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, tuy mọi thứ đồng đều nhau, người ở miền duyên hải, nơi (môi trường) dồi dào hoạt động Dương, chẳng hạn như Na, sinh con gái nhiều hơn con trai; và ở miền núi, nơi dồi dào hoạt động Âm thì sinh con trai nhiều hơn con gái. (Đấy là lý do Giáo phái Mormon phải cho phép dân ở gần Hồ Muối Salt Lake, Hoa Kỳ lấy nhiều vợ). Theo quan điểm này, hải đảo là trái nghịch với đất liền. Các nàng tiên cá không ngụ trên núi. Ở xứ đảo nữ quyền “Nyogo Sima” (Nữ Hộ Đảo), một hòn đảo nhỏ của Nhật Bản, đàn ông không lao động xốc vác, chỉ có đàn bà làm việc. Giống dân ở trên các hải đảo thường thấp lùn, cơ thể bị hoạt động Dương rút nhỏ. Cần lưu ý là đất liền Âm có thể biến thành xứ Dương do tác động của con người hoặc nhờ những điều kiện đặc biệt, thí dụ như chế độ dinh dưỡng gồm nhiều sản phẩm gốc động vật Dương, hoặc có mỏ muối lớn, những suối nước nóng, v.v…

    Tương tự, một hòn đảo Dương có thể trở thành một xứ ít nhiều Âm tính nhờ độ ẩm, có dòng hải lưu lạnh, v.v… Nhiệt độ cũng như ánh sáng đóng vai trò chủ chốt. Nếu dân cư của một hòn đảo có nhiệt độ trung bình khá cao, nghĩa là một hòn đảo Dương, thường ăn phần lớn rau củ, thảo mộc như khoai tây hoặc khoai lang (hoặc trái cây) rất giàu chất K, họ trở nên cao lớn, nghĩa là cơ thể bị động lực Âm ly tâm kéo giãn ra; huống hồ là dân cư sống trên những hòn đảo có khí hậu lạnh hơn, như người Anh chẳng hạn.

    Đấy chính là những khó khăn không vượt qua được trong các thống kê dân số, gây trở ngại cho việc tìm hiểu Luật Vô Song của con người ngày nay. Nhưng vào thời kỳ biên soạn sách Lễ Ký, hằng năm ở Trung Quốc đều có điều tra dân số, và những bản thống kê vào thời kỳ đó (ít ra cũng 500 năm trước Thiên Chúa Giáng Sinh), khi mà dinh dưỡng của dân chúng phản ảnh các điều kiện môi trường, đã giúp xác minh Luật Vô Song rất dễ.

    Ong chúa là con cái đẻ trứng tùy trường hợp không hoặc có tiếp thụ tinh trùng. Trứng ong không thụ tinh (trứng Dương) luôn luôn sinh ra ong đực (Dương) vì thiếu hoạt động Âm do tinh trùng cung cấp, nên chịu sự tác động tuyệt đối của hoạt động Dương nơi trứng. Âm (ong chúa), sinh ra Dương (ong đực). Suốt đời ong chúa chỉ giao phối có mỗi một lần. Trứng thụ tinh sẽ sinh ra ong cái. Ớ đây giới tính được ấn định trong lúc thụ thai. Trứng trinh nguyên (không thụ tinh) mang hoạt động Dương (vượt trội) luôn luôn sinh ra giống đực.

    Như vậy, sự ấn định giới tính tùy thuộc phần lớn những nguyên tố hóa học; nhưng chưa đủ, còn cần phải tính đến những yếu tố và những tác nhân vật lý.

    Sức nóng, khí lạnh, độ khô, độ ẩm, khí áp, ánh sáng, bóng tối, lực từ, điện khí quyển, sự kích thích bên ngoài, v.v… đều có vai trò quan trọng, điều này lộ rõ ở những sinh vật hạ đẳng và đơn thể. Một kích thích đơn sơ nào đó cũng có thể là yếu tố Dương hoặc Âm tùy theo trường hợp. Ở đây, phải hiểu sự sinh sản, truyền giống chẳng qua là một làn nuớc dập dờn, một gợn sóng của những hoạt động Âm Dương. Những hiện tượng thụ thai đơn tính (thụ thai không cần giao phối) cho thấy điều này. Một số sinh vật sinh sản đơn tính chỉ sinh ra duy nhất một giống (Âm hoặc Dương) trong một thời kỳ (Dương hoặc Âm); và vì lý do khác, sinh cả hai giống (thí dụ loài rệp cây).

    Rệp cây

    Rệp cây

    Nếu số lượng nhiễm sắc thể có thể ấn định giới tính, thì chính số lượng đó cũng được ấn định bởi những hoạt động Âm Dương.

    Hình thái và sinh lý thực vật

    Tất cả các chức năng sinh lý, hình thể, vóc dáng, màu sắc, thanh âm, hướng phát triển của thực vật (thảo mộc) cũng như của động vật đều do Luật Vô Song chi phối.

    Một cây vàng úa ở trong tối (Âm, lực giãn nở trội vượt) có thể sinh những nhánh dài gấp mười lần một cây ở ngoài sáng (Dương, lực co rút trôi vượt). Sự ấn định giới tính và sự hình thành lá, nhánh, v.v… có thể xem như một chức năng tạo hình sinh vật; sự ấn định giới tính chẳng qua là sự tạo hình những cơ quan sinh dục. Chính đây là điều được các nhà sinh lý học thực vật hiện đại chấp nhận và chứng minh bằng nhiều thí dụ.

    Theo các ông Nobbé, Erdman và Schroder, hạt gạo mì đen sarrasin (kiều mạch) không tạo thành tinh bột (Dương) khi thiếu K (Kali, Âm), tác nhân gây giãn nở. Gạo mì đen rất háo chất K. Điều này đã được dân quê Nhật Bản biết đến từ lâu. Đặc tính này phải được xem xét khi dùng gạo mì đen trong trị bệnh.

    Kiều mạch

    Kiều mạch

    Chất K tham gia vào tất cả các mô thực vật. Chất này rất quan trọng, trong khi chất Na (Natri) không bao giờ dồi dào trong các tổ chức này. Một số loài cây như cây thuốc lá và khoai tây hấp thu chất Na rất khó khăn (theo ông Maquenne). K là tiêu biểu cho Âm, động lực cần thiết cho đời sống vốn là Âm của thực vật; còn Na, tiêu biểu cho Dương, ít cần cho thực vật hơn. (Ở động vật thì khác).

    Một số loài cây trở vàng khi hấp thu quá nhiều chất vôi (Ca) hoặc carbonate de magnésium (MgCO3) (theo ông Maze, 1913). Những chất này là Dương tự bản tính hoặc do bào chế. Vì có quá nhiều những nguyên tố Dương nên sinh ra màu vàng (Dương). Tương tự, những lá cây có màu nâu vào mùa Thu chứa nhiều chất Na hơn lá cây mùa Xuân. Củ cải đỏ (củ cải đường) và cà rốt màu cam đều giàu chất Na (cà rốt núi hay nhân sâm là một trong những chất liệu chính được dùng bào chế các loại thuốc cường dương, hồi xuân của phương Đông). (Không dùng nồi bằng sắt để bào chế nhân sâm, vì nó sẽ “giết” nhân sâm; sắt (Fe) là chất rất Âm, trong khi nhân sâm rất Dương. Giới triết y sĩ Á Đông quả là có cảm nhận tinh tế! Ở Nhật Bản hiện nay (1931) chẳng có một y bác sĩ nào giải thích được sự cấm kỵ đó. Rõ là cảm nhận của con người hiện đại quá ư hạn chế!).

    Hô hấp của thực vật

    Hô hấp của các loài hoa hoặc hạt giống đang nảy mầm mạnh hơn hô hấp của những bộ phận khác của cây hoặc những thời kỳ phát triển khác. Hoa và hạt là những bộ phận giàu chất Na (tiêu biểu cho Dương) nhất của cây nên cần dưỡng khí Oxy (Âm) nhiều hơn. Ngoài thời kỳ nở hoa và nảy mầm, cường độ hô hấp của thực vật luôn luôn thấp hơn cường độ tiêu thụ thán khí CO2. Cường độ tiêu thụ CO2 cao gấp 10 hoặc 15, có khi đến 20 lần cường độ tiêu thụ O2. Trong khi hấp thu dưỡng khí và thải bỏ thán khí là một chức năng của hoạt động Dương, vì khí Oxy rõ ràng là Âm; (đây là đặc tính của động vật, Dương). Trái lại, sự đồng hóa diệp lục tố là một chức năng khác của Âm, vì khí CO2 rõ ràng là Dương (đấy là sản phẩm của sự cháy Dương). Cây cối thải khí Oxy Âm vì chúng có bản tính Âm.

    Theo sinh vật học Trung Hoa, cần nhận thấy hô hấp của thực vật là trái ngược với hô hấp của động vật. Hệ số hô hấp của thực vật là CO2/O2 tương ứng với hê số hô hấp của động vật O2/CO2. Sự hô hấp phải xác định chức năng hít thở chung một loại khí “nào đó”, chứ không chỉ có dưỡng khí Oxy.

    Trái cây và khô hạn

    Năm nào khô hạn, trái cây dễ chín và chín được hoàn toàn (theo sách “Yếu Lược Sinh Lý Thực Vật” của ông Maquenne). Trái cây nói chung rất giàu chất K (chất Âm tiêu biểu), vì vậy, ưa khí nóng và trời hạn (cả hai đều Dương) trong thời kỳ chín. Tình trạng chín của trái cây không gì khác hơn là một sự tương tác của hai hoạt động đối nghịch nhau. Dương sinh Âm. Tục ngữ Nhật Bản có câu “Hạn hán dưa chín sớm”.

    Hô hấp của động vật

    Hô hấp của động vật trái ngược với hô hấp của thực vật. Hô hấp động vật cần khí Oxy (Âm) nhiều hơn hô hấp thực vật. Các bảng ghi tình trạng hô hấp hằng ngày ở nhiều loài cá khác nhau của các ông Bruntriol, Kanamaru, Paryô và những tác giả khác cho thấy điều này rất rõ. Loài cá chép (cá gáy), loài lươn có thể sống trong vùng nước cực kỳ thiếu Oxy nhưng giàu CO2 vào mùa Đông; điều này chứng tỏ chúng rất Âm (hoạt động nới giãn, ly tâm và như vậy là sinh lạnh). Đặc tính này của cá chép đã được sử dụng trong y học Trung Hoa từ xưa. Không một dược phẩm nào của y học hiên đại hiệu nghiệm như “cao cá chép” trong điều trị viêm phổi yết hầu (pneumonie-croup). (Cần lưu ý mùa Đông là Âm, và cá chép, Âm, vào mùa này ít cần khí Oxy Âm). Trái lại, những động vật thịnh Dương có thể chết nhanh hơn loài cá chép nếu thiếu Oxy. Những động vật Dương này có thân hình nhỏ bé, trong khi mọi điều kiện khác đều tương bằng, thí dụ như cá trích (hareng) chúng di chuyển rất năng động, đấy là đặc tính của hoạt động Dương.

    Cá trích

    Cá trích

    Thân nhiệt động vật

    Thân nhiệt của động vật có liên hệ mật thiết với sự hô hấp, và hô hấp là chức năng của Na/K, trong khi mọi điều kiện khác đều tương bằng. Nếu thân nhiệt của động vật có liên hệ với những thay đổi ở mặt ngoài cơ thể, thì bề mặt đố chỉ tùy thuộc tỷ số Na (SỨC CO RÚT)/K (SỨC GIÃN NỞ), trong khi mọi điều kiện khác đều tương bằng.

    Nói chung, cường độ của hô hấp, mạch ở tay, nhịp tim, mạch ở cổ, v.v… của những người ăn uống nhiều món Dương thường khá cao. Máu bị “lạnh” khi tương đối chứa nhiều chất K (tiêu biểu cho các nguyên tố Âm, lạnh).

    Na và K ở cỏ cây

    Có thể tìm thấy nhiều thí dụ về hoạt động Dương của Na và hoạt động Âm của K trong luận án tiến sĩ “K và Na trong thảo mộc” của ông Périetzeanu ấn hành năm 1926. Từ luận án này có thể rút ra những kết luận theo quan điểm thuyết Âm Dương chứng minh Luật Vô Song hiện diện trong mọi hiện tượng của đời sống thảo mộc. Những kết luận đó là:

    1. Sự cộng sinh của Na và K, hai chất tiêu biểu cho hai hoạt động căn bản của đời sống, tồn tại trong muôn loài thảo mộc.
    2. Tỷ lệ K/Na (của thảo mộc) luôn luôn trên mức đơn vị (1/1) và cao hơn tỷ lệ (K/Na) ở động vật nói chung, vì thảo mộc tương đối Âm hơn động vật như thuyết hình thái Âm Dương của sinh vật đã cho biết.
    3. Những cây cùng một họ nhưng khác hình thái sẽ có tỷ lệ K (SỨC GIÃN NỞ)/Na (SỨC CO RÚT) khác nhau tùy theo từng trường hợp.
    4. Na và K là những nguyên tố có quan hê đối bổ (đối nghịch nhưng bổ túc nhau) và cả hai chất này đều cần thiết trong quá trình phát triển đời sống thảo mộc cũng như đời sống động vật.
    5. Hàm lượng K và Na trong thảo mộc thay đổi tùy theo chủng loại, nguồn gốc, không gian, thời gian, với những điều kiện khác hoàn toàn như nhau. (Thí dụ lúa mì mùa Đông và lúa mì mùa Hè).
    6. Thí dụ như cây bắp (ngô) nhúng trong một dung dịch giàu Na, sẽ phát triển mạnh hơn ờ rễ (rễ lớn) nhờ hoạt động Dương, trọng lực, nơi bản thân, trái ngược với một cây khác được cung cấp chất Na ít hơn số lượng ấn định cần thiết cho họ tộc.
    7. Trong một môi trường mà K được thay hoàn toàn bằng Na, cây cối sẽ chết vì thiếu hoạt động giãn nở Âm cần thiết.
    8. Trong một môi trường bị khử hết chất Na và chỉ chứa K, cây cối sẽ phát triển trọn vẹn nhờ hoạt động giãn nở do K cung cấp và giúp chúng thu hút hoạt động Dương (từ khí Carbonic, từ những bức xạ ánh sáng, từ không khí) vớỉ một lượng tối thiểu cũng hoàn toàn đủ cho những sinh vật Âm.
    9. Thời kỳ nở hoa hằng năm lệ thuộc tỷ số K/Na, tỷ số này thay đổi tùy theo chủng loại, nguồn gốc, v.v…

    Con người và muôn loài động vật cũng như cỏ cây đều bị suy diệt dưới ảnh hưởng của chất Na dư thừa. Chỉ cần một lượng Na quá mức cũng đủ gây hại cho một em bé dễ dàng.

    Những nguyên tố hóa học khác nằm kế cận Na trong bảng xếp loại quang phổ như As (thạch tín), Hg (thủy ngân), Ra (chất phóng xạ), v.v… cũng có khả năng tương tự. Nhưng một số lượng Na nào đó lại là cần thiết cho đời sống động vật và thực vật. Tỷ lệ Na và K được ấn định theo Luật Vô Song. Tất cả các hiện tượng sinh lý hoặc sinh vật như hướng phát triển, sự tạo hình, phân bào, sự thẩm thấu của mô tế bào, v.v… đều lệ thuộc tỷ lệ chuyên biệt này.

    Đến đây tôi xin ngừng lời thuyết minh dài dòng, và để kết thúc, tôi xin mượn lời của nhà bác học Pháp Lavoisier: “… Thiên nhiên cố gắng đổi thay vô cùng tận, chỉ đơn giản trong những nguyên nhân của nó; và sự tiết kiệm của thiên nhiên là ở chỗ tạo ra vô số hiện tượng thường là phức tạp mà chỉ dựa vào một số ít qui luật chung…”.

    Trích lọc từ sách “Âm Dương & Nguyên Lý Vô Song Của Triết Lý Và Khoa Học Phương Đông”

    G. Ohsawa dịch giả Anh Minh Ngô Thành Nhân

    Hoàng Ngân

    hoangngan2210@gmail.com

    Gửi

    Bài viết liên quan