Chắc chắn các bạn mới nhập môn thực dưỡng Ohsawa sẽ bị khớp bởi một loạt “đồ chơi” mới, chơi cái nào không bị lan man mà ép phê liền? Ai chẳng thích ăn ngon mà khỏe nhỉ. Mình viết bài này dựa trên kinh nghiệm cá nhân, ưu tiên những món dễ ăn trước, hi vọng sẽ hữu ích cho bạn khi lựa chọn mua sắm thực phẩm.
ĐỊA CHỈ MUA HÀNG THỰC DƯỠNG TẠI ĐÂY
10. Trà bancha
Chén trà là đầu câu chuyện. Bạn chưa cần bớt gì, chỉ cần thay nước lọc hàng ngày bằng các loại trà giàu tính kiềm của thực dưỡng là đã tốt rồi. Trà bancha gồm cành và lá nấu chung, không gây mất ngủ, trợ tiêu hóa. Mình đã viết rất rõ cách dùng và công dụng tại đây nhé.
9. Mơ muối
Mơ muối được coi là thực phẩm giúp điều chỉnh lại chức năng tiêu hóa. Đa phần các bệnh tiêu hóa đều sinh ra do ăn quá nhiều thịt (gây ra năng lượng co rút, viêm nhiễm, các bệnh táo bón, ung thư ruột kết…) hay nhiều đường, sữa, bánh kẹo (gây ra năng lượng trương nở, tiêu chảy, kém hấp thu, suy giảm trí nhớ…) Một quả mơ muối phòng thân khi ra ngoài “chinh chiến” thật quý lắm thay.
Nên ưu tiên dùng loại mơ muối ướt hoặc mơ xay thay vì mơ khô.
8. Sắn dây
Nhiều người có bột sắn dây ở nhà nhưng để không chẳng biết làm gì. Trong thực dưỡng, sắn dây luôn được nấu chín, kết hợp với mơ muối hoặc/và tương tamari cho hiệu quả cao nhất.
Khi các phản ứng thải độc của cơ thể thường biểu hiện ở các cơn sốt, lúc này sắn dây có tác dụng như người đồng hành cùng cơ thể, nhanh chóng đưa các tác nhân xấu ra ngoài qua đường mồ hôi và làm cho cơ thể trở nên mát mẻ trở lại.
Do chế độ ăn sai lầm, chúng ta đưa vào cơ thể một lượng lớn các thức ăn giàu axit như đường, thịt, trứng, phô mai…các axit này, nếu không được sử dụng hết, sẽ trở thành các axit thừa gây hại cho cơ thể. Một trong số các báo động của cơ thể là vấn đề mụn nhọt, viêm nhiễm, mẩn ngứa…Sắn dây đặc biệt mang tính Kiềm, tác dụng Dương tính của nó sẽ giúp cơ thể nhanh chóng trung hòa và đào thải ra bên ngoài các độc tính này mà không làm mất sức.
Sắn dây dùng trong nấu ăn: làm súp, nấu chè, tẩm bột chiên, kết dính, tạo độ bóng trong món xào.
Mỗi ngày hãy làm 1 ly sắn dây mơ muối để bảo trì đường tiêu hóa
https://www.bepthucduong.com/mon-an-chay-thuc-duong/mon-an-bai-thuoc/san-day-mo-muoi-duoc-trong-nha-bep/
7. Canh Dưỡng Sinh
Đối với nhưng đồng chí không muốn hi sinh khẩu vị (ăn tạp) nhiều mà mong êm thì món này sẽ hữu ích. Chỉ cần xé bao, bỏ vô nước sôi, mọi mệt mỏi sẽ dần tan biến. Tác dụng của CDS cũng cùng nguyên lý với mơ muối và sắn dây, nhưng dễ uống hơn nhiều vì vị ngọt từ rau củ hầm kĩ. Dĩ nhiên để bệnh không tái phát thì cần ăn uống giữ gìn thì tốt hơn, tránh lạm dụng.
Nếu bạn phải thức khuya làm việc, ra ngoài tiếp khách rượu bia, ăn tiệc, ăn uống phá lệ thì món này dùng giai đoạn là hợp lý đỡ lắm luôn. Mua tại đây
Công thức nấu nếu bạn muốn tự nấu ở nhà như sau:
1/ 1kg củ cà rốt
2/ 1 kg củ cải trắng (không kể lá).
3/ 330gr lá củ cải trắng hoặc tất cả lá có trong 1kg củ cải trắng.
4/ 200gr nấm đông cô.
5/ 250gr Ngưu Bàng khô hay 1kg Ngưu Bàng tươi.
Tất cả rửa sạch mà không gọt vỏ; cà rốt và củ cải trắng cắt nhỏ cỡ 1.5cm vuông; lá củ cải trắng cắt chừng 3cm. Bỏ vô nồi (inox, gang, sành, sứ, thủy tinh…) đổ nước vừa ngập, nấu sôi, bớt lửa còn riu riu cho nước sôi nhẹ từ 2 đến 3 giờ; để nguội, chắt nước uống.
6. Muối biển
Nước biển mang vị mặn mà của muối, chính là nơi nhận tất cả các dơ bẩn nhất về mình, gạn lọc và tạo thành một hệ sinh thái phong phú. Dòng máu con người cũng vậy, nếu như thiếu đi muối biển, nó sẽ mất đi khả năng kì diệu là chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào từ bên ngoài, cũng như tạo nên một dòng chảy mạnh mẽ đi nuôi sống toàn bộ các tế bào trong đó. Muối biển rất khác với muối tinh chế (muối iod) vốn chỉ bao gồm Na và Cl, mất hết 80-90% các khoáng chất khiến tính tạo axit cao hơn muối biển. Bí quyết nấu ăn ngon của các đầu bếp nhà hàng, ngoài nguyên liệu tốt, chính là cách dùng muối. Muối biển sạch giúp tôn vị món ăn, vị hậu ngọt nhẹ chứ không mặn chát, rất dễ nêm nếm.
Lưu ý ưu tiên dùng muối biển tự nhiên thay vì muối hầm (Dương tính mạnh).
5. Nước tương tamari Nhật
Nước tương tamari có thể dùng để nêm nước súp, chế biến các món chiên xào với ngũ cốc, hoặc với vô số các loại rau củ khác nhau. Nó còn có thể đi kèm với các loại đậu hạt, đặc biệt là xích tiểu đậu và rong biển, tạo thành một bộ ba có hương vị hấp dẫn và tác dụng hiệu quả lên thận. Người ta còn thêm tamari vào đồ uống như các loại trà như trà sắn dây, trà ngũ cốc rang…để làm tăng thêm hương vị và làm phục hồi thể trạng nhanh chóng. Nó làm cho dòng máu được dương hóa và kiềm hóa nhanh chóng, đồng thời khai thông các bế tắc trong cơ thể, phòng chống các chứng cảm lạnh mùa đông cũng như làm cho tinh thần người ta hăng hái hơn. Tác dụng lên sức khỏe con người của tamari rất rõ rệt, tuy nhiên nên sử dụng một cách điều độ và không nên lạm dụng, đặc biệt là với những người đang ăn mặn, vì lượng muối trong tamari cao có thể gây những hiệu ứng mạnh.
Vì sao phải thêm chữ Nhật? Phần nhiều các loại tương tamari Việt Nam đều bị men tạp, nên hương vị không chuẩn, lại mặn chát. Mùi tương thực dưỡng VN gần giống mùi mắm hơn là tương, nên dùng không cẩn thận dễ “nuốt” vị món ăn. Nếu người VN làm khéo thì vẫn ngon. Nếu bạn thích hương vị cổ truyền của tương bần (Âm hơn chút) thì cũng có thể dùng thay thế.
4. Rong biển phổ tai
Rong biển, đặc biệt là rong wakame và kombu (phổ tai) chứa sodium alginate (NaC6H7O6) có thể loại bỏ bức xạ Strontium ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, kombu đặc biệt giàu Iốt; nếu cơ thể có đủ lượng Iốt tự nhiên, chúng ta sẽ không nhiễm bức xạ Iodine. Rong biển có khả năng tập hợp những kim loại nặng rồi gắn liền với các kim loại ấy trong hệ thống tiêu hóa, sau đó kéo chúng ra theo đường đại tiện.
Một lợi ích bất ngờ của rong biển là chúng giúp mọc tóc nhanh! Các bạn sợ hói hãy nhớ.
Trong các nấu ăn thực dưỡng, phổ tai thường được dùng để cân vị, thay thế bột ngọt. Vị ngọt lợ nó đem lại giúp ăn ngon, mặc dù vị rất ẩn nhưng không thể thiếu. Thông thường phổ tai sẽ kết hợp với cá khô hoặc nấm đông cô nữa để “tăng cường sự hiện diện”. Nấu nhẹ nhàng lửa nhỏ ăn nóng sẽ không bị tanh.
Người ta thường dùng phổ tai lá để nấu nước dùng, sau đó vớt ra rồi xào hoặc rim tương rất ngon. Món đậu hạt (chè, cháo..) không thể thiếu phổ tai để mau mềm. Ngoài phổ tai nguyên lá thì còn một đường tắt để dễ nêm nếm là bột nêm Shitake Kombu của Muso Japan, dành cho người bận rộn.
Hết phần gia vị cơ bản, món chính thì sao?
3. Yến mạch
Lợi ích lớn nhất của yến mạch là hạ cholesterol xấu, và có thể hạ luôn huyết áp (huyết áp thấp ăn vừa thôi, bị viêm sưng thì nghỉ). Cách dùng thông dụng là nấu với ít muối biển và bột quế để giảm sinh nhầy. Kết hợp thêm hạt lanh rang xay (flaxseed meal) hay hạt chia để tăng cường chất béo lành mạnh, chất xơ, giúp no lâu hơn, và dĩ nhiên là ngon hơn.
Dễ ăn nhất trong các loại ngũ cốc là yến mạch, vừa nấu nhanh lại vừa bùi béo thơm ngon. Không nên dùng các loại oatmeal, instant oats thường xuyên vì tinh chế quá nhiều. Ăn xong dễ sinh chất nhầy mạnh, gây sổ mũi, tạo viêm. Loại tốt hơn là yến mạch cán rolled oat hoặc steel cut oats (nấu lâu hơn chút nhưng ngon).
2. Đậu lentil
Có nhiều loại đậu nhưng loại dễ ăn dễ nấu nhất là loại đậu lentil. Có 3 loại: xanh, nâu, và đỏ. Màu đỏ thì nhiều chất chống oxy hóa nhất, nhưng loại ngon nhất với mình là màu xanh. Bạn chỉ cần nấu 10ph không cần ngâm (loại cứng thì ngâm) là ăn được. Biến hóa đa dạng trong món súp, kho, xào, hay đơn giản như mình là ném 1 nắm vào nồi cơm là ngon lắm rồi!
Ăn chay lấy protein đâu ra? Có nhiều thứ nhưng dùng đậu này là món khá dễ tiêu mà ít rủi ro hơn các đậu khác.
1. Gạo lứt
“Last but not least” Để nhận diện một fan thực dưỡng, một trong những cách là nhìn thấy chén cơm “có màu”. Cơm tẻ là mẹ ruột, hạt gạo là hạt quân bình năng lượng nhất, lý tưởng nhất để nuôi dưỡng thân tâm. Hạt gạo trắng đã mất đi phôi và mầm sống cũng như một thực phẩm chết, ăn thật nhạt nhẽo vô vị khiến người ta nổi tâm tham bày thêm món này món kia. Trong khi đôi khi chỉ cần một chén cơm lứt nhai kĩ với muối mè, ta cũng cảm thấy mãn nguyện từ trong ra ngoài rồi (bao giờ thấy vậy là đắc đạo đó hihi). Dù bạn có ăn kèm một vài món lung tung, nhưng sự kì diệu từ lớp vỏ cám gạo lứt cũng làm trung hòa đi, lập lại thế cân bằng dễ hơn.
Tạo Hóa ban cho chúng ta ngũ cốc lứt nhưng do chính chúng ta chà xát trắng với niềm tin sai lạc là ngũ cốc chà xát trắng tốt và có lợi cho cơ thể, thế nhưng lợi đâu chả thấy mà chỉ thấy toàn là bệnh SUY THOÁI, càng lúc càng nhiều và càng lúc càng khó chữa trị hay hầu như không thể chữa trị được…..lúc đó người ta mới hiểu tại sao gạo lứt có thể ngăn ngừa và chữa trị nhiều bệnh như vậy.
Gạo đỏ thì tương đối Dương hơn gạo lứt trắng, bạn căn cứ vào tình trạng bản thân và thời tiết để sử dụng nhé. Cách mình làm là xen kẽ 2 loại trong tuần, không nấu chung, không ngán tí nào.
Dù bạn có chữa bệnh hay không, những món trên cũng nên có sẵn ở nhà. Theo kinh nghiệm tần suất sử dụng của mình là khá cao. Theo quy tắc, chỉ cần 20% món quan trọng nhất là đủ tạo nên 80% sự khác biệt rồi. Từ từ bạn còn cả quãng đời khỏe mạnh để tìm hiểu thêm phần còn lại, nhé 😉