Trẻ con không nhất thiết phải tập thể dục thể thao, vì những hoạt động trong gia đình cũng đủ làm cho chúng khoẻ mạnh. Có thể để trẻ quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ đạc hoặc giúp đỡ bố mẹ trong những công việc vừa với khả năng. Đây là cách thể dục tốt nhất, giúp trẻ có dịp vừa vận động thân thể vừa tiếp xúc làm quen với cuộc sống thực tế và tập được tính kiên nhẫn, lòng vị tha, tinh thần trách nhiệm, sống trật tự, hài hoà và tôn trọng mọi người mọi vật ở chung quanh. Ở Pháp, tôi có người bạn nhà văn, vợ anh là hiệu trưởng một trường trung học nên bận việc suốt ngày ít có thì giờ gần gũi hai đứa con còn nhỏ. Đứa chị được 3 tuổi thường chơi một mình, đôi lúc còn phải trông em. Nó chỉ có vài món đồ chơi đơn giản, trong đó có một miếng vải. Lúc nào cũng thấy nó chơi với miếng vải được nó biến hoá tuỳ theo trí tưởng tượng, khi thì áo khoác cho búp bê, khi thì đảy đựng đồ chơi hoặc làm giẻ lau giày dép… đến nỗi ai cũng gọi nó là “miếng giẻ” (chiffon). Nó rất thích phụ mẹ làm bếp và được cha sai bảo.
Dạy con như thế rất tốt vì tạo nên những người ưa lao động, biết tự trọng, tự lập và hữu ích cho gia đình lẫn xã hội. Trái lại, những đứa trẻ con nhà giàu sang quyền quí, có người giúp việc và có quá nhiều đồ chơi, lại được cưng chiều hết mực, ăn uống thừa mứa, thì thường dễ hư hỏng, yếu đuối, thích dựa dẫm và làm phiền người khác, hoặc mắc bệnh tâm thần như suy nhược thần kinh, u uất, vọng tưởng cuồng, phóng đảng, tâm thần phân liệt, phá rối xã hội….Những thảm cảnh này đều do bà mẹ tình cảm uỷ mị trực tiếp tạo ra, nhất là khi gia đình thiếu mặt người cha.
Đã có nhiều học giả viết sách hướng dẫn nuôi con và bày cách cho ăn cho uống, nhưng hầu hết quá phức tạp, khó áp dụng vào thực tế, nhất là cho những gia đình nghèo khó. Trong khi đó, phương pháp Thực Dưỡng rất giản dị, thực tiễn mà ai dù ở hoàn cảnh nào cũng làm được một cách dễ dàng. Hẳn có người sẽ ngạc nhiên: “Có đúng thế không? Sao mà dễ vậy?”. Chứng minh cụ thể nhất là nhìn vào thiên nhiên, ta thấy các loài vật sống cực kỳ giản dị, ăn toàn thức phẩm thô mà luôn luôn nhởn nhơ khoẻ mạnh. Kìa loài chim trời chỉ ăn vừa đủ những gì thiên nhiên cho chúng, không hề dồn chứa cho nhiều hoặc tìm tòi tiện nghi khoái lạc xác thân. Mùa xuân chúng ăn mầm non, mùa hè ăn cỏ dại, mùa thu ăn rơm khô, mùa đông ăn lá úa hoặc bới tuyết tìm thức ăn. Vậy mà lúc nào chúng cũng rộn rã vui đùa, bay lượn hót ca, dầu tiết trời oi nồng hay lạnh lẽo. Chẳng bao giờ thấy chúng đau tim, ho lao hay cảm cúm. Gần gũi hơn thì hãy xem những người xuất thân nghèo khó, lúc nhỏ không được nuôi dưỡng phủ phê lại thường đủ sức vượt qua sóng gió cuộc đời để vươn tới thành đạt hơn là con cái những gia đình giàu có sống trong xa hoa chiều chuộng.
Người Trung Quốc có câu: “Gỗ tốt không mọc ở đất phì nhiêu”. Thật vậy, cây có gỗ cứng chắc thường mọc trên núi, nơi đất đai cằn cỗi, sỏi đá cheo leo, quanh năm gió mưa lạnh lẽo. Trái lại, những cây mọc trên những vùng đất màu mỡ phì nhiêu thường yếu mềm, kém sức đề kháng vì thiếu sự tôi luyện của đại thiên nhiên. Con người cũng vậy, muốn có một đứa con lớn lên đủ sức gánh vác việc đời, thì hãy nuôi con bằng thực phẩm thiên nhiên và cho con sống trong khung cảnh càng giản dị càng tốt. Đó là bí quyết của việc nuôi con, nếu áp dụng được sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Có biết bao vĩ nhân đã trưởng thành trong những điều kiện như vậy.
Sung sướng thay cho những người sống nghèo, bởi người giàu muốn vào chốn thiên đàng còn khó hơn con lạc đà to lớn chui qua lỗ trôn kim! Đừng mưu tìm tiện nghi và khoái lạc vật chất, vì hạnh phúc đích thực chỉ đến với những người vô tư, khiêm tốn và công bình chính trực.
Đừng sợ ăn thực phẩm thiên nhiên thô cứng khó tiêu, vì cũng như bắp thịt phải hoạt động mới khoẻ, các cơ quan tiêu hoá cần thể dục mới mạnh bền. Hoạt động không những cần cho các cơ quan trong người, mà còn tối cần thiết cho sự sống. Chẳng hạn khí oxy (dưỡng khí), nếu ngưng hít khí này ta sẽ chết. Tuy nhên, ta không thể hít riêng khí oxy tinh ròng vì không làm ta sống được. Trong không khí mà ta hô hấp, oxy chỉ chiếm 1/5, còn 4/5 gồm những thứ mà cơ thể không tiêu thụ. Thức ăn thiên nhiên cũng vậy, dù trong đó có những phần mà dạ dày và ruột không tiêu hoá nhưng lại cần cho hoạt động của chúng. Thật vậy, ngày nay các nhà y học đã thấy được điều này, chẳng hạn chất xơ của thảo mộc giúp tiêu hoá thức ăn được dễ dàng, chống táo bón và sự sình thối trong ruột.
Chúng ta là con của thiên nhiên, sống trong lẽ công bình của Trời Đất. Chúng ta phải tin rằng chỉ những ai ăn ở đúng theo Trật Tự của Vũ Trụ (thuận thiên) mới khoẻ mạnh hạnh phúc, còn sống bất chấp hoặc ngược lại trật tự này (nghịch thiên), đương nhiên phải gánh chịu bệnh hoạn khổ đau. Tôi tin rằng con người và môi trường thiên nhiên liên hệ mật thiết với nhau, và sống hoà hợp với môi trường tức là bảo đảm được sinh mạng chẳng chút tốn hao, lại hưởng được phúc lạc đời đời.
– G.Ohsawa –