*** Món Ăn Thưởng Thức ***
Kiều mạch là hạt đại diện cho hành Thủy, tương ứng với thận. Điều này có nghĩa là kiều mạch “rất mát”, tốt cho tiêu hóa, bài tiết, sinh lý, tuy nhiên nó không gây ra chứng hạ huyết áp thường gặp khi ăn các đồ mát khác. Đồng bào miền núi vẫn thường dùng kiều mạch để nấu ăn cho sáng mắt thính tai, làm ấm người, đặc biệt là vùng bụng và lưng, rất thích hợp với những người âm tạng, yếu ớt, hay sợ lạnh. Nên ăn kiều mạch vào mùa đông là tốt nhất.
Các món ăn từ kiều mạch rất phong phú. Nổi tiếng nhất phải kể đến kasha, là món ăn làm từ kiều mạch rang của người dân vùng Đông Âu giúp họ chống chịu được cái rét của mùa đông, cũng như các món từ mỳ soba trứ danh của người Nhật.
Khi ăn mì soba, người Nhật có thói quen hút mạnh những sợi mì vào miệng để tạo ra tiếng động lớn. Khi đó, mùi thơm, vị đậm đà của nước dùng sẽ hòa quyện với mùi vị đặc trưng của mì soba khiến người ăn không thể nào ngừng cho đến khi bụng họ không còn chứa được nữa. Điểm hấp dẫn của mì soba là sự cân bằng vị giác giữa nước dùng và sợi mì. Đó là sự tương hỗ luôn được chú trọng trong ẩm thực của người Nhật.
Nguyên liệu:
100 gr mì soba, làm từ bột kiều mạch và bột mì
1 củ cà rốt vừa, cắt miếng vừa ăn
1 củ ngưu bàng dài 15cm, cắt miếng vừa ăn
6 nhánh đậu Hà Lan
1 trái mơ muối
3 nấm đông cô khô, ngâm mềm
1 muỗng canh tương đặc miso
Cách làm:
Luộc chín mì soba trong nước khoảng 7-10’. Vớt ra để ráo.
Nấu cà rốt, ngưu bàng, nấm đông cô và mơ muối khoảng 15 phút cho mềm và ngọt nước.
Cho thêm đậu Hà Lan vào nấu thêm khoảng 2 phút. Nêm vài hạt muối.
Nghiền tương miso với ít nước. Vặn nhỏ lửa nồi nước dùng, cho tương vào nấu thêm 1 phút tắt bếp.
Dọn nước súp và mì riêng, khi ăn nhúng mì vào bát và thưởng thức.
Bạn có thể dùng nước tương Nhật (shoyu/tamari) thay thế tương đặc miso.