Đã có rất nhiều bài viết nói về lợi ích của việc ăn chay. Tuy nhiên không phải ai ăn chay cũng sẽ khỏe mạnh. Nếu ăn chay mà vẫn bị bệnh thì bạn nên đọc qua bài viết này để tham khảo nhé 🙂
“Bẫy An Tâm (Pleasure Trap) là gì ?” Đây là một thuật ngữ được nêu ra bởi tiến sĩ Doug Lisle và tiến sĩ Alan Goldhamer. Theo đó, từ xa xưa, với bản năng sinh tồn của mình, con người chúng ta luôn có xu hướng dự trữ năng lượng, tránh tổn thương và tìm kiếm sự thỏa mãn. Vì vậy, chúng ta luôn ưa thích các thức ăn chứa nhiều calo, có hàm lượng đường và chất béo cao (vì chúng giúp bổ sung và dự trữ năng lượng cũng như làm chúng ta thỏa mãn). Nhưng ngày nay, các thức ăn như vậy quá dễ kiếm cộng với nhịp độ sống ngày càng hối hả, chúng ta đang tiêu thụ nhiều calo, các chất đường, chất béo quá mức cần thiết. Qua thời gian, sự thỏa mãn của chúng ta với thức ăn ngày càng giảm, chúng ta luôn muốn có thêm nữa. Khi đó, chúng ta lại nạp vào người ngày càng nhiều thức ăn để tiếp tục tìm kiếm sự thỏa mãn mà không để ý xem chúng có tốt cho sức khỏe hay không. Và đó là cái bẫy do chúng ta tự áp đặt cho chính mình.
“Thực Phẩm Vì Sức Khỏe” thì tốt cho sức khỏe.
Nghe thật ngớ ngẩn, nhưng đáng ngạc nhiên là có những thứ thường xuyên được quảng cáo là tốt cho sức khỏe mặc dù sự thật thì không phải như vậy.
Ví dụ như chúng ta thường xuyên nghe thấy các từ như “nguyên cám”, “tự nhiên”, “nguồn gốc thực vật”, “chưa qua chế biến”,… khi nhắc đến lợi ích của thức ăn đối với sức khỏe. Thức ăn, công thức nấu hay các sản phẩm luôn luôn được quảng cáo là tốt cho sức khỏe mà thường lại chỉ dựa trên các mô tả này.
Tuy nhiên, các thuật ngữ ngày không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sức khỏe, và chúng cũng không có ý nghĩa thật sự đối với sức khỏe của chúng ta. Thực phẩm nguyên cám có thể tốt, cũng có thể không tốt cho sức khỏe. Cũng như vậy với các sản phẩm được đề là “tự nhiên”, “chay” hay “chưa qua chế biến”. Bạn hoàn toàn có thể có một chế độ ăn không lành mạnh mà chỉ dựa trên các thực phẩm nguyên cám, tự nhiên, nguồn gốc thực vật hay chưa qua chế biến.
Thực tế, tôi đã phân tích một công thưc nấu ăn bao gồm 100% thực phẩm nguyên cám và chưa qua chế biến, nhưng nó vẫn có đến 40% chất béo bão hòa và 26% các loại đường. Có thể nó tự nhiên, nguyên cám hay chưa qua chế biến, nhưng chắc chắn tôi sẽ không động đến nó.
Cho đến này, có nhiều thực phẩm tuy là “đã qua chế biến” nhưng lại rất tốt cho sức khỏe (tekka miso, cà phê thực dưỡng…). Một phần của sự hiểu nhầm này là do chúng ta chưa hiểu chính xác về các thực phẩm đã (hoặc chưa) qua chế biến và các tác động của quá trình chế biến. Thực sự thì một số quá trình chế biến có thể làm tăng lợi ích về mặt sức khỏe cho thực phẩm(như lên men đậu nành, ngâm tương củ cải..), trong khi một số khác lại làm giảm điều này.
Quay lại chủ đề chính, chúng ta sẽ định nghĩa một cách chuẩn xác thế nào là tốt cho sức khỏe. Các thuật ngữ đã nêu ra không hề có ý nghĩa là tốt cho sức khỏe. Vì vậy một chế độ ăn uống bao gồm các thực phẩm nguyên cám, tự nhiên, chưa qua chế biến không cũng không đồng nghĩa sẽ mang lại một sức khỏe tốt.
Vấn đề chúng ta nên thực sự quan tâm là những con số, vì chúng không biết nói dối.
Người Mỹ thường ốm đau và béo phì do tiêu thụ quá mức calo và các chất như đường, muối, chất béo bão hòa, tinh bột hay cholesterol. Nhưng vấn đề không phải là ở các chất này mà là ở hàm lượng (concentration) của chúng trong thức ăn.
Đây là một vấn đề quan trọng đối với chúng ta, những người có thể đang bị mắc kẹt vào cái “bẫy an tâm”. Chúng ta có thể nhận ra bản thân mình vẫn gặp những vấn đề về sức khỏe với một số thực phẩm nguyên cám, tự nhiên, nguồn gốc thực vật, đặc biệt là có liên quan đến chất béo và đường. Muối không thực sự là một vấn đề, vì chúng không xuất hiện trong các loại thực phẩm này. Cholesterol cũng vậy. Nhưng chất béo và đường thì có.
Hãy xem xét kĩ hơn về 2 chất này và sẽ hiểu tại sao chúng có thể trở thành một vấn đề cần quan tâm. Liên quan đến “bẫy an tâm” và các chứng nghiện thức ăn, không có chất nào là chắc chắn gây nghiện. Không phải chất béo, đường hay thậm chí không phải là rượu, heroin hay cocain. Trên thực tế, chỉ có khoảng 24% số người từng thử heroin là trở thành con nghiện.
Bên cạnh đó, các phân tử đường (glucose, fructose,…) có trong các loại đường tinh chế cũng chính là các phân tử đường có trong nhiều loại thực phẩm “tự nhiên, chưa qua chế biến, được gieo trồng tự nhiên” như ngô, củ dền hay trái cây. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao dưới dạng đường viên hay mật ong chúng lại có thể gây nghiện cho chúng ta còn khi chúng ở dưới dạng trái cây và ngô thì (hầu như) không như vậy ?
Câu trả lời chính là hàm lượng hay sự cô đặc (concentration). Cũng giống như cocain. Lá coca không thực sự gây nghiện. Cocain, một dạng cô đặc hơn, có khả năng gây nghiện cao hơn. Vâng, hàm lượng càng cao lại càng gây nghiện.
Hãy để ý tới đường (chất béo cũng như vậy). Đường có trong hầu hết các thực phẩm (trái cây, rau xanh, các loại rau củ có tính bột, ngũ cốc nguyên cám,…) nhưng hàm lượng không cao vì còn có nước, chất xơ, vitamin và các khoáng chất trong đó. Hiếm khi các thức ăn này tạo cảm giác cho ai đó rằng họ đã bị nghiện. Một số ít người, nếu có, sẽ nói rằng họ nghiện củ dền, ngô..
Nhưng khi chúng ta chiết xuất và cô đặc đường dưới dạng viên hoặc chúng ta sử dụng các loại đường tinh chế khác như đường nâu, đường turbinado, hay thậm chí khi chúng ta sử dụng chất làm ngọt tự nhiên như mật ong, siro maple (những loại thực phẩm mà hàm lượng đường ở mức rất cao mặc dù chúng “tự nhiên” và “chưa qua chế biến”), đột nhiên chúng ta thấy nhiều người có cảm giác ham muốn những loại đường cô đặc này và bị mắc kẹt trong “bẫy an tâm” của chính họ.
Vì vậy, vấn đề thực sự không phải là đường, mà là hàm lượng của đường. Chính hàm lượng mới là vấn đề thực sự.
Hãy xem xét hàm lượng đường (sugar density) của các thực phẩm dưới đây (số gam đường trên 0.45 cân thực phẩm) :
Trái cây tươi
Táo – 47
Cam – 42
Chuối – 55
Dứa – 44
Dưa hấu – 28
Việt quất – 45
Các loại rau củ có tinh bột
Đậu Hà Lan – 21
Ngô – 28
Khoai tây – 5
Trái cây sấy khô
Chà là Medjool – 301
Chà là Deglet Noor – 287
Nho khô – 268
Các dạng đường cô đặc
Mật ong – 372
Đường – 453
Như bạn thấy, có sự khác nhau lớn về hàm lượng đường giữa đường cô đặc (mật ong, đường) với trái cây tươi hay giữa đường cô đặc với các loại rau củ có tinh bột.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng hàm lượng đường của trái cây sấy khô rất gần với hàm lượng đường của các loại đường tự nhiên, chưa qua chế biến hay các loại đường tinh chế. Đây là lí do tại sao nhiều người nên giảm hay tránh các loại trái cây sấy khô cũng như các món ăn chế biến từ chúng.
Ví dụ, một số người gặp vấn đề về sức khỏe với đường có thể sẽ gặp vấn đề với trái cây sấy khô nhưng lại không sao với Táo. Tại sao ? Cả 2 đều có đường, nhưng trái cây sấy khô có hàm lượng đường lớn hơn nhiều so với táo. Chính hàm lượng là vấn đề.
Cũng như vậy, một số người có vấn đề với chất béo có thể gặp vấn đề với các loại hạt nhưng không sao với yến mạch. Tại sao ? Tuy cả 2 đều có chất béo nhưng hàm lượng chất béo trong các loại hạt lớn hơn nhiều so với yến mạch và chính hàm lượng mới là vấn đề cần quan tâm.
Cũng như với những thức ăn chứa nhiều calo, bạn có thể tránh các vấn đề về sức khỏe bằng cách giảm bớt tiêu thụ các thực phẩm có hàm lượng đường cao, thay vào đó là các thực phẩm có hàm lượng đường thấp.
Vì vậy, thêm một chút xíu đường hay chà là vào một bát yến mạch lớn sẽ không ảnh hưởng gì nhiều vì hàm lượng đường ở mức thấp. Yến mạch đã làm giảm hàm lượng đường trong món ăn. Với chất béo cũng vậy, thêm một ít quả bơ hay các loại hạt vào một một món có nhiều gạo, đậu và rau sẽ ít gây ảnh hưởng vì hàm lượng chất béo cũng ở mức thấp. Gạo, đậu và rau đã làm giảm hàm lượng chất béo trong món ăn.
Tuy nhiên, việc trộn lẫn các thức ăn có hàm lượng đường cao (chà là) với các thức ăn có hàm lượng chất béo cao (các loại hạt) có thể trở nên rất đáng ngại vì cái “bẫy an tâm” này và các chứng nghiện ăn. Lý do là giờ đây chúng ta có những món ăn như vậy (kẹo truffles), những món mà có thể khiến nhiều người dễ dàng bị sập vào cái “bẫy an tâm”. Đó là lý do tại sao tuy món kẹo truffles chỉ được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, chưa qua chế biến, nguồn gốc thực vật, nhưng chúng ta luôn có xu hướng không thể chỉ ăn một cái. Rõ ràng là món kẹo truffles lành mạnh hơn là một thanh snickers, nhưng món truffles vẫn có hàm lượng calo, chất béo và đường ở mức cao và đối với chúng ta, nó có thể dễ dàng khiến chúng ta lại rơi vào “bẫy an tâm”.
Nếu những thức ăn này có thể gây ra vấn đề cho bạn, hãy tránh xa chúng và thay vào đó hãy ăn nhứng thức ăn có hàm lượng đường, chất béo thấp. Nếu bạn không gặp vấn đề gì, hãy cứ thưởng thức chúng.
Mạnh khỏe,
Lược dịch từ nguồn Jeff Novick bởi Dũng PhD, Hà Nội 🙂