Sắn dây nằm trong số các loại rễ củ quý giá được trồng và sinh trưởng rộng rãi ở các vùng đất viễn Đông
Từng được nhập vào Hoa Kỳ từ vùng Viễn Đông với mục đích làm cảnh và gây nguồn thức ăn cho thú, loại củ này sinh trưởng mạnh mẽ đến mức người ta coi nó là cỏ dại và cần phải kiểm soát sự sinh trưởng của nó. Tuy nhiên, từ ngàn đời nay, sắn dây đã góp mặt với vị trí không thể thiếu trong ẩm thực và y học vùng phương Đông.
Người Việt dùng củ sắn dây như một loại cây lương thực chống đói hoặc ăn vặt, hoặc mài làm tinh bột để uống rất tốt cho sức khỏe.
Người Nhật cũng sử dụng sắn dây để làm bánh wagashi, một loại bánh truyền thống làm từ bột gạo, đậu đỏ, đường nâu và bột sắn dây thường dùng để kết đông nhân bánh. Tính ứng dụng của bột sắn dây trong nhiều món ăn là rất cao, đồng thời dược tính của chúng cũng được cả Tây Y lẫn Đông Y phát hiện và áp dụng trong việc điều trị nhiều chứng bệnh.
Thực dưỡng coi sắn dây là loại củ thuộc nhóm Dương, nhờ vào sức sống mạnh mẽ của chúng với củ rễ phát triển và tạo năng lượng hướng xuống. Nó có tác dụng hỗ trợ quá trình thải độc và trung hòa các độc tố trong cơ thể. Vì vậy, một số trợ phương trong Thực dưỡng sử dụng sắn dây để hỗ trợ các phản ứng thải độc, đặc biệt là các độc tố được đào thải do sử dụng nhiều thức ăn có nguồn gốc động vật, gây viêm nhiễm hay ngộ độc, các loại thuốc kháng sinh, rượu bia.
Khi các phản ứng thải độc của cơ thể thường biểu hiện ở các cơn sốt, lúc này sắn dây có tác dụng như người đồng hành cùng cơ thể, nhanh chóng đưa các tác nhân xấu ra ngoài qua đường mồ hôi và làm cho cơ thể trở nên mát mẻ trở lại. Vì vậy sắn dây chính là loại thuốc hạ sốt an toàn nhất, không để lại các di chứng nghiêm trọng về lâu dài như các nhiều thuốc Tây Y khác.
Sắn dây cũng có tác dụng tốt lên các căn bệnh thuộc về đường ruột và tiêu hóa. Hình dạng củ sắn dây to và phát triển chính là minh chứng cho năng lượng mạnh mẽ mà nó tạo ra cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là ở đường ruột. Sắn dây thuộc loại củ chứa nhiều tinh bột nhưng giàu chất xơ. Một phần các tinh bột này không những không được hấp thu qua thành đường ruột mà còn có tác dụng “hút nhiệt” ở đó đem ra ngoài cơ thể. Vì vậy, nó có tác dụng làm cho các chứng bệnh về đường ruột – viêm loét miệng lưỡi do ăn nhiều gia vị cay nóng, kích thích, nhiều thức ăn bổ béo gây ra. Các chứng về đường ruột cũng gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho hệ thần kinh, như stress, mất ngủ…bột sắn dây sẽ có tác dụng làm xoa dịu và ổn định đường ruột cũng như hệ thống thần kinh, giúp người ta giảm bớt các hiên tượng tâm lí tiêu cực như nóng nảy hay bực bội, sốt ruột hay lo lắng…
Bột sắn dây được xếp vào nhóm kiềm Dương, vì nó có tác dụng hỗ trợ cơ thể đào thải độc tố. Do chế độ ăn sai lầm, chúng ta đưa vào cơ thể một lượng lớn các thức ăn giàu axit như đường, thịt, trứng, phô mai…các axit này, nếu không được sử dụng hết, sẽ trở thành các axit thừa gây hại cho cơ thể. Một trong số các báo động của cơ thể là vấn đề mụn nhọt, viễm nhiễm, mẩn ngứa…Sắn dây đặc biệt mang tính Kiềm, tác dụng Dương tính của nó sẽ giúp cơ thể nhanh chóng trung hòa và đào thải ra bên ngoài các độc tính này mà không làm mất sức.
Chính vì thế, bột sắn dây được ứng dụng để trị nhiều chứng bệnh gây ra do sử dụng quá nhiều các thức ăn giàu axit, như mụn nhọt, viêm họng, ngộ độc thức ăn…
Tác dụng giải độc rượu của bột sắn dây gần đây cũng gây chú ý ở các nước phương Tây, với nhiều loại thực phẩm chức năng được chiết xuất từ sắn dây dưới dạng viên nén. Tuy nhiên, bạn có thể phòng tránh các độc tính từ rượu, cũng như các đồ ăn giàu axit nói chung bằng cách ăn một bát bột sắn dây nguấy chín cùng mơ muối.
Bột sắn dây đóng vai trò là thức ăn tạo kiềm, ngăn chặn các tác động tiêu cực của axit lên cơ thể.
Như vậy, với các tác dụng tuyệt vời trên của sắn dây, liệu ta nó nên dùng nó thường xuyên không?
Sắn dây thuộc dạng củ có tính mát. Bột sắn dây khi được nguấy chín cũng chứa phần lớn là nước. Vì vậy, với những người có cơ thể bị lạnh, không bị nhiệt không nên sử dụng thường xuyên. Sắn dây sử dụng với lượng nhiều, đặc biệt là để thay bữa ăn chính cũng có thể gây ra mất năng lượng, đặc biệt là với người gầy ốm. Với những người có hệ hô hấp kém, lỗ chân lông không được đóng mở một cách linh hoạt, việc sử dụng sắn dây (vốn khiến các lỗ chân lông mở rộng ra để đào thải độc tố ra ngoài bằng đường mồ hôi), cũng có thể khiến gây trúng gió hay nhiễm lạnh. Vì vậy, khi dùng bột sắn dây để trị bệnh, nên dùng ở chỗ kín gió.
Như đã nói ở trên, bột sắn dây chính là sự kết hợp của ẩm thực và y học. Trong các món ăn giàu axit như chè, bánh (với thành phần là đậu hạt, đường), bột sắn dây đóng vai trò là thức ăn tạo kiềm, ngăn chặn các tác động tiêu cực của axit lên cơ thể. Trong thực dưỡng, món trà bình minh được khuyên dùng trước bữa ăn sáng 30’ có tác dụng trung hòa axit trong dạ dày, kích thích tiêu hóa và phân giải độc tố tồn đọng trong cơ thể trước khi ăn sáng. Món ăn bột sắn dây-tamari (được pha đúng liều lượng), có tác dụng giải cảm, giải độc cho cơ thể. Trong nấu ăn hằng ngày, bạn có thể ứng dụng bột sắn dây để chế biến nhiều món ăn, đặc biệt để trung hòa các thức ăn nhiều axit và giàu nhiệt lượng như rau củ chiên xào, các món chè và bánh ngọt.
– Trích “COOKBOX 2 – Khoa học & nghệ thuật nấu ăn tự nhiên” –