Sự Thật & Huyền Thoại ・ Thực Dưỡng ・ Nhập Môn Thực Dưỡng ・

Trái Cây: Ăn Hay Không Ăn?

Huy Phạm 05 Thg 02

XEM NHANH

    Trái cây hay hoa quả là những thực phẩm được xuất hiện rất nhiều trong những khuyến cáo về dinh dưỡng từ xưa đến nay. Chúng vẫn được coi là những thực phẩm ít calories, giàu chất xơ và các loại vitamin cần thiết (B, C, carotene), giàu khoáng tố kali (potassium) và magnesium (vốn là hai khoáng chất hàng đầu của dinh dưỡng học phương Tây) với cơ thể con người, giúp ngừa và góp phần tích cực trong chế độ ăn; điều trị một số căn bệnh, điển hình là các căn bệnh táo bón, hay tim mạch. Đặc biệt, với hàm lượng chất xơ cao, trái cây  luôn đứng đầu bảng cho việc giảm béo. Do vậy, xu hướng tiêu thụ trái cây của con người hiện đại ngày càng tăng lên.

    Các loại trái cây ngọt ngào xuất khẩu từ những vùng đất nhiệt đới xa xôi đang trở thành nguồn thu đáng kể cho những quốc gia nghèo trên thế giới. Các nhà sản xuất đang cố gắng vận dụng mọi tiến bộ về khoa học kĩ thuật trong việc trồng trọt trái cây nhằm tăng sản lượng, kích thước, hương vị, màu sắc sao cho chúng trở nên hấp dẫn và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Việc thưởng thức các loại đặc sản miệt vườn như xoài, măng cụt, thanh long…đã trở nên  dễ dàng ngay trên đất châu Âu hay Bắc Mỹ. Trong một số chế độ ăn chay, trái cây luôn giữ vai trò chủ đạo như một loại thực phẩm hấp dẫn, thơm ngon, bổ dưỡng kéo người ta rời xa những miếng thịt đầy tai hại.

    Không thể phủ nhận một số ích lợi to lớn của trái cây trên mặt dinh dưỡng, sức khỏe, nguồn lợi kinh tế…Là một người có ý thức về Thực dưỡng, chúng ta cần học cách nhìn rõ bề mặt và bề trái của sự việc. Trong bài này, mình muốn chia sẻ cho mọi người (qua những gì mình sưu tầm được) một cái nhìn chân thực về trái cây dưới cái nhìn Thực dưỡng, vốn rất ít khi được xuất hiện trên các mặt báo, và cách sử dụng trái cây theo Thực dưỡng như thế nào cho đúng và có được lợi ích nhất về mặt sức khỏe.

    Xin được bắt đầu bằng câu chuyện của bản thân mình. Mình là một đứa trẻ sinh ra vốn rất mè nheo. Gia đình, với những kiến thức phong phú về dinh dưỡng qua TV, sách báo…luôn có gắng ép mình ăn trái cây, uống nước cam, nhất là khi ốm sốt, làm mình cảm thấy ăn trái cây là một cực hình. Và thật sự, khi còn bé, cho tới khi học hết tiểu học, mình luôn có xu hướng tránh xa trái cây, cảm thấy ớn mỗi khi nghĩ đến mà không biết tại sao. Loại mà mình thích nhất có lẽ là xoài, dứa, vải, nhãn, là những loại tương đối “nóng”, nhưng sức hấp dẫn của nó còn xa so với thịt chiên hay xúc xích. Lớn lên một chút, mình cũng tập và ăn khá khá được các loại trái cây, và chấp nhận một cách mù mờ vị ngon của nó. Cho đến khi bệnh đường ruột, tiêu chảy kéo dài nhiều ngày, mình may mắn được biết đến Thực dưỡng và đã tìm được ra câu trả lời cho câu hỏi của mình ngày xưa: hóa ra những người vốn Âm tạng, có nghĩa là các cơ quan như thận-gan vốn kém bẩm sinh, lẽ dĩ nhiên xu hướng cơ thể sẽ từ chối tiếp nhận những thức ăn Âm như trái cây. Sự từ chối này phụ thuộc vào trực giác của cơ thể (vốn rất nhạy bén ở trẻ em), và sau này lớn lên đa phần bị “nhiễu” bởi các nhận thức sai lầm từ bên ngoài.

    NHỮNG LẦM TƯỞNG VỀ TRÁI CÂY VÀ VITAMIN C

    vitamin c fruits

    Trong Thực dưỡng, đa số các loại trái cây đều rất Âm. Âm tính của trái cây nằm ở xu hướng phát triển  và nảy nở, vị chua hoặc ngọt lịm, nằm ở hàm lượng nước chứa trong đó, và đặc biệt, trong trái cây có chứa rất nhiều vitamin C, hay còn gọi là axit ascorbic. Vitamin C là một trong những vitamin được người ta ưa chuộng nhất, chính vì đặc tính mát dịu của nó, trong việc hạ sốt, thiếu máu, scorbut… Thực chất, khi kiểm tra các khẩu phần ăn của người dân Eskimo hằng ngày, vốn đa phần là cá và thủy hải sản, hoàn toàn vắng bặt các thực phẩm giàu vitamin C như các loại trái cây, dưa chuột, khoai tây…, người ta lại bất ngờ thấy rằng người Eskimo lại là nhóm người có lượng Vitamin C cao nhất trong máu. Cơ thể của chúng ta chỉ cần một lượng rất ít Vitamin C trong quá trình biến dưỡng, và có thể tự sản xuất từ tuyến thượng thận. Vì vậy, việc bổ sung vitamin C một cách mù quáng và ồ ạt từ bên ngoài vào hoàn toàn không cần thiết sẽ khiến cho các tuyến nội tiết trong cơ thể dần dần mất đi khả năng tiết ra các hoocmon điều tiết vốn có của mình.

    Một trong những tác động rất khó lường của vitamin C chính là “tác dụng” làm đẹp da và mất mụn. Mụn chính là những chất axit không được đào thải ra hết khỏi cơ thể. Các thức ăn giàu như đường hay thịt động vật khi vào máu sẽ tạo ra rất nhiều axit trong dòng máu. Một cơ thể với cơ chế thải độc khỏe mạnh sẽ nhanh chóng loại bỏ các axit này qua đường da (mồ hôi), nước tiểu, đường ruột v.v…tuy nhiên, khẩu phần ăn hiện đại ngày nay, vốn giàu các loại thịt cá, đường, sữa, hóa chất… khiến cho lượng axit trong cơ thể bị vượt ngưỡng. Khả năng thải độc của cơ thể lần hồi bị suy yếu trầm trọng. Lượng axit máu cao khiến người ta luôn cảm thấy bức bách, nóng nực, và tạo ra các loại mụn nhọt, mẩn ngứa trên cơ thể. Việc ăn thật nhiều trái cây, hay vitamin C là một cách tắt đèn báo hiệu của cơ thể, khiến chất độc trong máu biến mất một cách kì lạ. Dưới tác dụng âm tính của vitamin C, các chất kiềm được rút ra từ dự trữ của tủy xương để trung hòa lại các axit trong máu. Các khoáng chất giàu kiềm xuất hiện trung hòa các axit sẽ khiến cho người ta cảm thấy sảng khoái lạ thường. Khi các dự trữ này sắp hết, việc sử dụng lượng âm quá lớn từ trái cây sẽ khiến cho gốc bệnh đi vào bên trong và làm suy yếu các cơ quan dương làm nhiệm vụ thải độc, đặc biệt là thận. Khả năng Âm hóa mãnh liệt của trái cây sẽ tác động trực tiếp gây trương nở nhân tế bào của cơ thể, phá hủy hồng cầu và gây loãng máu. Khi cơ thể bắt đầu có dấu hiệu sỏi thận, tiểu trắng, hoặc tiểu mất tự chủ, cũng là lúc nó bị Âm hóa trầm trọng, nguyên nhân bắt nguồn từ việc nghiện trái cây. Vì vậy, muốn có làn da đẹp, thay vì sử dụng trái cây để “thải độc” (mà không biết độc đi về đâu), ta nên tìm cách để làm mạnh các cơ quan thải độc trở nên mạnh mẽ hơn, bằng cách kiêng các thức ăn tạo nhiều axit, tăng cường các loại chất khoáng giúp cơ chế chuyển hóa của cơ thể được phục hồi trở lại.

    Tác động làm tỉnh táo thần kinh của trái cây cũng được nhiều người nói đến. Trái cây rất Âm, nhất là các loại trái cây ngọt lịm sẽ khiến kích thích nhịp đập của tim nhanh hơn. Cùng với đó, thận và gan, vốn cũng là những cơ quan Dương sẽ bị đốc thúc hoạt động cùng, khiến cho cơ thể trở nên phấn chấn hơn, nhất là những trái cây. Đường trái cây (fructozo) này sẽ tạo một cảm giác hung phấn tạm thời, nhưng bất ổn định vì chỉ là sự kích thích, nên sau đó, khiến con người ta rất dễ rơi vào một trạng thái bực bội, lo lắng, nghi ngờ trong chu kỳ giảm đường huyết. Vì vậy, sau một bữa ăn với trái cây hay bánh kẹo ngọt, người ta sẵn sang lao ngay vào công việc trong tâm trạng phấn chấn, nhưng rồi nhanh chóng cảm thấy xuống sức, bủn rủn tay chân. Có một số loại trái cây mà ta có thể cảm nhận ngay âm tính của chúng khi ăn vào. Các loại trái cây chua (axit) sẽ khiến cho cơ thể rút bớt kiềm dương trong tủy xương dự trữ để cân bằng lại, khiến cho ta cảm thấy tỉnh táo tức thì, song cùng với đó, chân tay của chúng ta cũng trở nên yếu hơn, lạnh bụng, tụt huyết áp, có thể tê hay bủn rủn. Nguyên nhân là do đâu? Tủy xương là nhà kho dự trữ muối khoáng cho máu của cơ thể do thận chủ. Một khi chất kiềm dương này được xuất ra khỏi nhà kho là cơ thể đã bị Âm hóa mạnh mẽ, đặc biệt là thận. Ở một số người tạng Dương, dấu hiệu này có thể chưa xuất hiện ngay, nhưng với những người tạng Âm thì có thể cảm nhận thấy rõ.

    Việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh tự nhiên bằng cách ăn những đồ ăn quân bình, một số món ăn phục hồi các cơ quan nền tảng như gan, thận, tụy, lá lách, tim như gạo lứt, kê, đậu đỏ, cà rốt, bí đỏ…sẽ khiến cho cơ thể không bị rơi vào tình trạng kích thích, tâm bạn ít bị dao động và có khả năng bình tĩnh, làm việc bền bỉ trong mọi hoàn cảnh.

    TRÁI CÂY VÀ BỆNH UNG THƯ

    brand campaign
    Vào những năm 60, tại Hoa Kỳ, với tình trạng gia tăng đáng báo động của các căn bệnh tim mạch, đột quỵ, các nhà dinh dưỡng quốc gia đã chuyển từ khuyến cáo một chế độ protein, chất béo động vật sang chế độ kiêng ăn muối, đường, chất béo và protein động vật và khuyến khích các loại ngũ cốc lứt, đậu đỗ, rau củ và đặc biệt là trái cây. Thoạt nhìn, chế độ ăn này có vẻ rất gần với Thực dưỡng, duy chỉ có một việc duy nhất là việc sử dụng trái cây được khuyến khích. Việc này đã nhanh chóng đẩy Mỹ  từ xứ sở của bệnh tim thành xứ sở của bệnh ung thư. Từ năm 1960-1977, các bệnh tim mạch tại đây đã giảm xuống 16%. Đổi lại, tỉ lệ tử vong do ung thư lại tăng 16%, khiến chính phủ lại phải đau đầu đi tìm giải pháp cho căn bệnh này. Các nhà Thực dưỡng đã sớm nhìn ra nguyên nhân. Một chế độ ăn kiêng (giảm muối/tăng trái cây) như vậy chỉ thích hợp với những người bị bệnh Dương do sử dụng nhiều thịt, thường bị các cơn đau cấp tính, và có nguy cơ tử vong đột ngột. Tuy nhiên, muối lại là chất tạo kiềm mạnh nhất giúp làm mạnh và khỏe dòng máu, giúp kháng lại sự phát triển của khối u ác tính. Thiếu muối, sức sống và sức chống chọi bệnh tật của cơ thể giảm sút rõ rệt, hoạt động của các cơ quan trong cơ thể cũng theo đó mà bị Âm hóa. Nguyên nhân gây ra các căn bệnh mãn tính như tiểu đường, đường ruột, viêm gan mãn tính,…

    Luôn có một tỉ số vàng của sức khỏe là lượng Ka (Âm) / Na (Dương) trong và ngoài tế bào bằng luôn 5. Cao hơn con số ấy tức là chúng ta đã thiên Âm. Các loại trái cây (chưa nói đến các loại có phầm chất kém) vốn đã có lượng K vượt xa so với Na. Khi tiêu thụ một lượng K tương đối lớn và lâu dài vào cơ thể mà không chú trọng tới lượng Na (muối) cân bằng lại sẽ tạo một hiệu ứng trương nở mạnh, khiến cho người Âm (ốm, thụ động, nhút nhát) ngày càng trở nên Âm thịnh. Biểu hiện của chứng Âm thịnh chính, bên cạnh các căn bệnh mãn tính cực âm về thể chất là việc giảm hăng hái, khả năng suy nghĩ trì trệ, sợ hãi, lo lắng, ngờ vực, hoang tưởng và trầm cảm, ủy mị và hay ớn lạnh. Các vấn đề tâm lý đó trong xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay vô cùng phổ biến. Chúng xuất hiện ở mọi độ tuổi, mọi ngành nghề… Không ai ngờ đó lại là những biểu hiện tiêu cực của việc thiếu hiểu biết vè thực phẩm mà mình ăn vào. Đối với những người ăn chay (chủ yếu từ thảo mộc vật) chỉ cần bạn cắt giảm lượng đồ ăn Âm tính đưa vào, bổ sung thêm muối khoáng từ thiên nhiên, các bạn sẽ nhận thấy có sự thay đổi rất rõ rệt trên cơ thể mình.

    AI NÊN ĂN TRÁI CÂY ?

    181520 buah
    Nếu lượng thịt cá mà bạn sử dụng khá lớn, và sức khỏe của các bạn vẫn bình thường, cảm giác thèm ăn trái cây thường xuất hiện. Đó là phản ứng hết sức bình thường của cơ thể để cân bằng lại lượng Na vừa đưa vào. Đó là lí do vì sao các số ăn từ -1 đến -3 của Thực dưỡng cho phép sử dụng trái cây với đối trọng là thịt, cá. Thịt là thực phẩm rất giàu Na và muối, nhưng muối đó lại là muối cũ đã thu hút nhiều chất độc hại trong cơ thể động vật, sẽ làm cho phẩm chất máu của ta dần bị kém đi. Muối được tiêu thụ dưới dạng thịt cá, phô mai rất khó đào thải, sẽ khiến cơ thể giữ nước và chất béo gây nên các chứng bệnh về tim mạch, hay tạo môi trường các loại viêm nhiễm. Muối tinh rất giàu Natri, nhưng các chất khoáng vi lượng đã bị mất. Muối này khi vào cơ thể sẽ tác động mạnh lên hệ thần kinh, tạo cảm giác khát nước và bị thu hút bởi đồ ăn âm cực độ. Nếu bạn vẫn sử dụng những thứ đồ ăn này, những lời khuyên của bác sĩ như uống nhiều nước hay ăn thật nhiều trái cây mỗi ngày là cần thiết. Nhưng cách ăn uống này về lâu về dài sẽ khiến cho cơ thể rất nhanh suy thoái, khiến người ta như bị “già trước tuổi”, điển hình là xuất hiện các chứng phát phì, bệnh tiểu đường. Chúng ta sẽ thường xuyên ăn thiên lệch và vượt quá số lượng cần thiết cho phép. Các cơ quan thải độc như thận, gan bên cạnh việc loại bỏ các axit trong cơ thể lại phải mệt mỏi thải bỏ lượng K dư thừa ra khỏi cơ thể. Hiện tượng các bệnh ruột kết cũng là hiện tượng khá phổ biến. Trái cây có tính chất cực âm khiến cho tính đàn hồi thải độc qua đường ruột bị đình trệ, vùng bụng bị âm hóa. Ví dụ một bữa ăn của bạn có thịt là thứ rất khó tiêu hóa và thải bỏ trong đường ruột, sau đó ăn trái cây sẽ khiến cho cơ chế tạo phân và đẩy chất thải ra ngoài bị đình trệ, làm thức ăn như thịt cá ở bên trong lâu ngày sẽ bị lên men thối rữa, gây sình bụng. Ở những người ăn chay trường lâu ngày với trái cây và rau sống làm chính, thường sau một thời gian thành đường ruột sẽ bị trương nở và mất đi tính đàn hồi, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe và tinh thần.

    Nếu bạn là người Âm tạng, đang mắc bệnh, vốn nhút nhát hay lo sợ thì tốt nhất nên từ bỏ trái cây nếu không muốn tình hình tồi tệ hơn. Minh chứng là chỉ cần sử dụng trái cây một thời gian và đều đặn, hiện tượng đi tiểu nhiều, tiểu trắng và không kiềm chế được sẽ xuất hiện. Tuy nhiên với những người đã sử dụng một lượng thịt lớn từ trước đó, khi dự trữ Na vẫn còn, trái cây có tác động tích cực trong thời gian đầu, rất khó nhận ra hậu quả. Khi lượng dự trữ này đã hết thì lúc đó, các tác dụng tiêu cực kể trên sẽ xuất hiện.

    Nói chung những người có thể sử dụng trái cây là:

    –       Những người Dương tạng, khỏe mạnh.

    –       Những người sử dụng hằng ngày quá nhiều thịt, đạm động vật, phô mai, muối.

    –       Những người sống ở các xứ nhiệt đới, đổ mồ hôi và lao động chân tay nhiều (có sử dụng muối từ nhiều nguồn hay nước tương).

    –       Trẻ em đang bú sữa mẹ, có thể xem xét một vài ngụm nước ép táo nấu chín hay mẩu táo bỏ lò để bổ sung lượng Âm. Tuy nhiên với lượng rất hạn chế. Nếu đứa trẻ có xu hướng lạm dụng trái cây sẽ khiến cho chúng sớm có biểu hiện bị âm hóa.

    Những người nên nói không với trái cây hoặc chỉ ăn với lượng rất ít:

    –       Những người bệnh suy nhược lâu ngày

    –       Những người Âm tạng bẩm sinh, yếu tim, tính nhút nhát, hay bị lạnh người và yếu bóng vía.

    –       Phụ nữ thường xuyên sử dụng trái cây từ khi ít tuổi sẽ gây ra hiện tượng kinh nguyệt không đều, khả năng chịu lạnh kém, lãnh cảm, vô sinh…

    –       Những người có huyết áp thấp và hay say xe tuyệt đối phải kiêng ăn trái cây.

    –       Tất cả các bệnh Âm, đặc biệt là ung thư, tiểu đường, suy thận, tê bại, viêm xoang,…

    ĂN TRÁI CÂY THẾ NÀO?

    Mang thai thuc duong 5

    Đi sâu vào nghệ thuật nấu nướng cân bằng của Thực dưỡng, chúng ta có thể thưởng thức trái cây trong một vài dịp đặc biệt nào đó bằng cách loại bỏ Âm tính của nó đi.  Nếu là người bệnh, muốn sức khỏe được chuyển hóa, bạn phải tuyệt đối kiêng trái cây (đặc biệt là trái cây nhiệt đới), trong thời gian ngắn hay dài tùy thuộc vào thể trạng của bản thân. Ở các chế độ ăn chuyển tiếp, nhất là nếu trước đó bạn sử dụng rất nhiều thịt động vật và luôn cảm giác thèm trái cây, Thực dưỡng chỉ khuyên chúng ta nên sử dụng trái cây với lượng ít với các công thức chế biến chặt chẽ:

    –        Các loại trái cây đúng mùa, được trồng tại địa phương

    –        Các loại trái cây không sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp, GMO.

    –        Khuyến khích các loại trái cây dương, loại trái cây ôn đới (trái táo, lê trồng sạch, trái dâu tây, trái trứng gà (lekima)…). Các loại trái cây âm như dưa hấu, trái dừa, sầu riêng, xoài, mít…nên hạn chế.

    Một số cách chế biến có thể giảm Âm tính của trái cây như bỏ lò, hấp chín >70 độ C (mục đích để làm phân hủy vitamin C chứa trong đó) hay rắc muối ăn kèm…Tuy nhiên đối với người bệnh nặng, bản tính Âm của trái cây vẫn còn, nên dù chế biến Dương hóa cũng không nên sử dụng.

    NƯỚC ÉP TRÁI CÂY THÌ SAO?

    Nước trái cây, lượng nước lớn và các vitamin âm tính trong trái cây sẽ khiến cho cơ thể chúng ta bị Âm hóa tệ hại hơn là ăn trái cây. Trên thực tế, khoa học đã chứng minh rằng các loại nước trái cây sẽ khiến cho cơ thể hấp thụ đường nhanh và nhiều hơn ăn trái cây, vì các loại nước trái cây thiếu mất chất xơ.

    Nếu ta thèm ăn trái cây, đó là dấu hiệu của việc ta đã ăn quá dương. Vì vậy, ta cần cắt giảm lượng muối đưa vào cơ thể, nhưng tuyệt đối không được bỏ muối ra khỏi khẩu phần ăn. Muối thiên nhiên an toàn hơn muối tinh hay muối từ thịt, phô mai rất nhiều. Khoáng chất trong muối thiên nhiên có khả năng chuyển hóa, làm sạch và mạnh dòng máu, tựa như nước biển mặn có thể nhận tất cả các dơ bẩn về mình, mà vẫn tạo ra một hệ sinh thái sống động bên trong. Bên cạnh đó, ta cần đổ mồ hôi để cơ thể có thể thải muối cũ ra đường da để phục hồi lại sức sống cho trái thận. Thích ăn trái cây cũng là dấu hiệu của thận yếu do ăn quá nhiều thịt động vật hay axit khiến cho chức năng duy trì cân bằng thể dịch bị giảm sút. Biểu hiện này dễ thấy ở quầng thâm dưới mắt. Thay vì tiếp tục vắt kiệt nó, ta cần bổ sung các loại khoáng chất từ vỏ cám gạo lứt, hạt kê, các loại củ dương (sắn dây, cà rốt, ngưu bang…), các loại trà, đặc biệt là tương cổ truyền để phục hồi chức năng thận. Nếu như cơ thể tồn trữ nhiều muối cũ (biểu hiện ở việc tiểu rắt và tiểu đỏ), bạn có thể sử dụng nước trà đậu đỏ – phổ tai hoặc nước râu ngô cho tới khi tình hình cải thiện. Sức sống của cơ thể sẽ được phục hồi thấy rõ khi bạn sử dụng các loại thực phẩm Thực dưỡng. Thi thoảng khi cơ thể khỏe mạnh, thi thoảng ta có thể thưởng thức cái mát lành của trái cây mà vô hại.

    Quan sát phân và nước tiểu chính là cách điều chỉnh nhanh nhất những gì ta ăn vào bữa hôm trước. Nếu đang ăn thực dưỡng một cách chặt chẽ mà lỡ ăn phải quá nhiều trái cây khiến ta lạnh bụng hay ớn da gà, sợ hãi vào ban đêm, bạn hãy thử nhắm mắt nhai gạo lứt rang (thành nước rồi nuốt). Bạn sẽ  có cảm giác lấy lại được năng lượng cho toàn bộ cơ thể và sự ấm nóng sẽ tràn đầy hai trái thận của bạn.

    Quan trọng khi đến với Thực dưỡng, chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng ta có thể ăn mọi thứ trong sự hiểu biết tác động của chúng lên cơ thể của mình. Trái cây có thể tốt với người khác, nhưng không tốt với bạn hay ngược lại. Trái cây có thể làm bạn sung sức hôm nay, nhưng biết đâu nó lại khiến bạn ốm bệnh trong nay mai? Đó là điều bạn có thể kiểm chứng từ sự thực hành của bản thân mình. Ăn gạo lứt, rau củ, môt chút nước tương hay một chút cá con, bạn sẽ thấy trái cây không phải là thiết yếu trong cuộc sống. Giống như người xưa đã nó: “ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung, khí vị hợp nhi phục chi, dĩ bổ tinh ích khí” (Hoàng đế Nội Kinh). Trong đó, trái cây (ngũ quả) chỉ là những thực phẩm phụ trợ, bổ sung, một sắc xanh điểm thêm vào cuộc sống cho thêm phần tươi mát. Nền tảng chính nuôi dưỡng sức khỏe và tâm hồn con người vẫn nằm trong hạt ngũ cốc.

    Huy Phạm

    bhuypham@gmail.com

    Gửi

    Bài viết liên quan