Sở thích của mình là tìm lại những hương vị xưa. Theo dấu chân thực dưỡng, chúng ta có xu hướng phiêu du với các món Nhật với miso, tamari, kimochi.. Thực tế các món truyền thống Việt nếu chế biến tử tế, vẫn rất lành và ngon không thua kém gì.
Nhớ khi xưa, mỗi ngày mẹ đều mua cho 1 bịch chè ăn chơi. Chè đậu xanh hoặc chè cứt mũi, đây là 2 loại chè mình thích nhất. Mỗi chén chè ngày xưa bé tẹo, giá chỉ 2-3 ngàn, cào 3 nhát là hết. Cái ngọt thơm của đường sên, cái bùi thơm của hột đậu ván tan ra trên lưỡi có một sức quyến rũ mạnh mẽ với bất cứ đứa trẻ nào, cho tới vài ba chục năm sau.
Còn bây giờ…làm sao đây khi ăn một ly chè ngoài tiệm là sẽ nằm 1 bãi vì xỉn đường? Ta đành xấn vô bếp tự làm cái món tưởng không khó mà khó không tưởng này thôi.
Chè đậu ván đã trở thành món phổ thông, ai cũng nấu được. Nhưng nấu cho ra chén chè đậu ván kiểu Huế xưa thì không dễ. Là bởi có những mẹo riêng, và phải kỳ công một chút nó mới có hương vị đặc trưng riêng của ngày xưa.
Theo cách của ẩm thực gia Hoàng Kim Cúc đúc kết: “Đầu tiên là làm đậu. Đậu ván sau khi mua về nhặt hết những hạt đậu bị sâu, bị hỏng rồi ngâm với nước ấm một buổi, tốt nhất là để qua đêm. Trong lúc ngâm đậu thì chuẩn bị nước luộc đậu. Phải lấy một chậu nước lạnh đánh một chén tro bếp rồi để cho lắng. Sau đó lọc nước tro trong đổ vào soong, đổ đậu ván vào luộc, đậu vừa chín bóc được vỏ trút sang cái rá đem chà cho sạch mày đậu và vỏ, vút lại để ráo nước. Tiếp đó xé lá dứa lót vào ngăn xửng, đổ đậu lên trên hấp cách thủy cho thơm. Ðậu chín mềm và nở thì lấy ra. Đường nấu chè nên sên cho vị ngọt nó ngấm. Bắc nồi nước sôi, cho bột năng vào khuấy sánh lỏng đặc tùy thích. Nước đường sên rồi đổ vào soong, bỏ đậu vào nấu một lát nữa cho đường thấm vào đậu sẽ nhắc xuống. Chờ nguội múc ra chén, mời cả nhà”.
Đọc cho vui mồm thế thôi chứ ở thành thị chốn đô thành, lửa có khi còn ko thấy lấy đâu ra tro bếp. Cách mình làm như sau xài đỡ:
- Ngâm đậu qua đêm, loại bỏ hạt xấu, tách vỏ lúc này cũng được cho đỡ nát
- Luộc đậu với ít phổ tai, nếu tốt hơn thì hấp đậu cho chín mềm
- Nấu đường phèn Nghệ An (đường phèn trắng tinh không dùng được) tan với nước và lá dứa, cho một chút muối nữa, cho bột sắn dây pha pha loãng vào nấu thành hỗn hợp sệt như hồ dán (hoặc như nước mũi bị nghẹt 🙂 )
- Kết hợp nhẹ nhàng phần đậu và nước đường sắn dây không để nát đậu, lúc này gian bếp đã thơm phức mùi lá dứa quyện với mùi sắn dây rất dễ chịu
Kế đến công phu nằm ở “nước cốt dừa”. Nếu dùng nước cốt dừa 100%, vốn rất Âm, kết hợp với đường và đậu rất dễ bị đầy bụng, trì trệ, thậm chí còn sinh nhức đầu. Nước cốt dừa không phù hợp cho những người cholesterol cao. Đây là cách mình làm:
- Xay yến mạch với cơm dừa sấy khô (tỉ lệ 1:1 hoặc tùy) với nước nóng (tỉ lệ khô – nước 1:3)
- Lọc bỏ phần bã
- Đun phần sữa với một ít bột sắn dây đến khi đặc lại, ta có “nước cốt dừa phiên bản tình cảm”
Lúc làm món này mình không lưu lại định lượng chính xác, nhưng chắc chắn bạn nào đã muốn làm là sẽ hiểu và làm được thôi.