** Món Ăn Hàng Ngày **
Tục ngữ có câu “mùa xuân buồn ngủ, mùa thu mệt mỏi”. Thời tiết lúc này chuyển từ nóng sang lạnh, cơ thể con người bước vào giai đoạn nghỉ ngơi mang tính chu kỳ. 1 nồi rau củ kho kiểu thực dưỡng sẽ giúp bạn có một năng lượng mạnh mẽ mà chậm rãi, kích hoạt mọi giác quan.
Nếu bạn thích mang nghệ thuật vào nấu ăn, món này cho bạn nhiều cơ hội và sự linh động phong phú. Theo truyền thống, để mang lại nhiều sự hòa hợp, nishime nên được chuẩn bị với số lẻ các lớp nguyên liệu, nên bạn có thể trở thành “kiến trúc sư ẩm thực”, xây dựng một món ăn với 3, 5 hay bảy tầng. Hai yếu tố then chốt giúp món ăn trông hấp dẫn là màu sắc và bố cục. Bạn có thể kết hợp củ cải trắng tuyết chắc và tươi với cà rốt vàng sáng, hoặc bí đó mềm, dẻo với những loại rau xanh đậm thái nhỏ như rau mùi hoặc hành ta. Giới thiệu toàn tập về cách nấu này, cô hàng xóm của tui đã làm 1 bài chi tiết ở đây, rất hay
Nishime: Nghệ Thuật Phối Hợp Rau Củ Trong Món Kho
Chuẩn bị cho món này:
- Củ cải, củ sen, su hào lượng bằng nhau (như hình)
- Cà rốt lượng ít hơn 1/2 các thứ khác
- 1 hộp đậu hũ 300g (kiểu Nhật- làm đông bằng nước cốt muối là tốt nhất)
- 1 miếng rong biển phổ tai kombu tầm 5cm vuông
- Muối biển, tương tamari
- Dầu mè, hành ngò
Cách làm vừa đơn giản vừa kĩ
Đây là món kiểu Nhật nhưng cách làm và đồ chơi thuần Việt 90%, cái gì không có bỏ qua vẫn ngon
Cắt rau củ đồng dạng tương đối lớn cho món kho như hình. Thông thường mình sẽ áp chảo (nồi inox đáy dày chứ không phải chảo không dính) củ sen trước với dầu mè, một ít muối. Sau đó cho vào 1 chén nước “tráng nồi” khi đang nóng. Nhớ không để có mùi khét hư hết món ăn. Sau đó tuần tự xếp các lớp. Rau củ có nhiều âm tính hơn như củ cải trắng, phổ tai ở lớp dưới nồi, còn các loại rau củ có năng lượng mạnh hơn như rễ ngưu báng và cà rốt được xếp ở lớp trên. Chiên đậu hũ riêng cho vàng mặt rồi cho vào luôn ở giữa.
Trong nấu ăn thực dưỡng, muối biển, miso, nước tương và các thức nêm khác thường được nêm khi nấu hơn là nêm trên bàn ăn. Mình rất ghét phải chấm một món kho hay món xào trên bàn ăn, cảm giác nấu thiếu tâm và vị món ăn sẽ lệch lạc khi làm như vậy. Dĩ nhiên nếu bàn ăn có nhiều khẩu vị người lớn nhỏ khác nhau có thể tạm chấp nhận. Cách chọn thức nêm và thời điểm cho vào sẽ thay đổi tùy vào dạng món ăn. Thí dụ trong món hấp, luộc, xào, nướng, áp suất, chiên ngập dầu thường nêm lúc đầu. Trong món kho nishime, một nhúm muối được nêm ban đầu và phần lớn vị mặn nằm ở nước tương shoyu/tamari vào khoảng 5 phút cuối trước khi xong. Đây là nghệ thuật “giấu muối” của cô Aveline Kushi mình học được. Các món khác có thể nêm dần dần từng lớp khi nấu.
Cho rau củ vào nồi xong thì cho nước, ít nước thôi vừa đủ để không cháy. Các rau củ sẽ từ từ ra nước giúp chín hơi và đường tự nhiên không bị pha loãng, nhiều nước vừa tốn thời gian lại không ngon. Bạn nấu với nồi đáy dày, nắp nặng tương đối kín trong khoảng 15-20ph đến khi chín mềm thì nêm nước tương. Đậy vung xóc nhẹ chứ không trộn. Tiếp tục nấu thêm khoảng 5ph. Tắt bếp để đó 5ph nữa lấy ra ăn. Ngon lên đỉnh, khỏi làm chuyện ấy!
Gần đây mình không tâm sự nhiều trên FB Page nữa mà chuyển qua Instagram @bepthucduong, bạn nào thích deep cùng thực dưỡng thì search hashtag #tamsudaubeep nghe nói nhảm. Chợ FB nhiều “người phán xử” quá mình cũng ngại chia sẻ. Lưu ý trang Instagram của mình cũng có nhiều món ăn thị trường mình chụp cho người khác. Nếu location đính kèm là Bếp Thực Dưỡng thì mới món mình muốn các bạn ăn nhé. Không các bạn mình nói anh Beep xúi ăn đồ chế biến hóa chất là bỏ mẹ tui. Mình viết có vẻ táo tợn nhưng cũng dễ nhột lòng trước những feedback hay hiểu lầm của độc giả. Mình không thể làm vừa lòng được hết, đặc biệt là những người thực dưỡng “cổ điển”, nếu ai có gì khuất tất thì đối thoại, đừng nghĩ vu vơ, đâm sau háng, táng vô lòng. Sau tất cả, mình chỉ muốn giúp 🙂
“Haters gonna hate, i know i know”
Dưỡng Sinh Mùa Thu