Thực Dưỡng ・ Suy Ngẫm Thực Dưỡng ・

Quan Điểm Về Ăn Thịt Trong Thực Dưỡng

Dũng PhD 01 Thg 08

XEM NHANH

    Trên thực tế, một số người thực hành phương pháp Thực Dưỡng vẫn bổ sung thực phẩm có nguồn gốc động vật vào thực đơn hàng ngày của mình. Những người này tin rằng chúng có thể được sử dụng một cách lành mạnh, trong khi những người khác cho rằng cần tránh hoàn toàn các thực phẩm này. Có những lý do bắt buộc ta phải từ bỏ hay hạn chế thịt động vật (trừ hải sản) và cũng có những lý do mà ta tự thấy không cần bỏ chúng ra khỏi thực đơn của mình. Bài viết này sẽ đề cập đến cả hai mặt của việc sử dụng các sản phẩm từ động vật (trừ hải sản) trong sự thực hành và tư duy theo phương pháp Thực Dưỡng. Trong bài viết này, thuật ngữ ‘thịt động vật’ được hiểu là không bao gồm hải sản.

    Sự băn khoăn về việc có nên sử dụng thịt động vật trong việc thực hành Thực Dưỡng có nguyên nhân bắt nguồn từ các tài liệu Thực Dưỡng. Trong đó thì cuốn Zen Macrobiotics xuất bản năm 1960 là đưa ra các lời chỉ dẫn của tiên sinh Ohsawa về cách ăn chi tiết nhất. Tiên sinh đã đưa ra 10 cách ăn được đánh số từ -3 đến 7, từ số 3 đến số 7 là dành cho người ăn chay và 5 số còn lại thì có bổ sung thêm cả thịt. Mặt khác, trong các cuốn sách của mình, tiên sinh Ohsawa luôn cho rằng thịt không hề cần thiết cho một đời sống khỏe mạnh. Tiên sinh cũng tin rằng thịt có thể làm cản trở sự phát triển về mặt tâm linh hay tinh thần của con người.  Dù vậy, tôi cho rằng tiên sinh vẫn đề cập đến thịt trong các số ăn để tránh trường hợp mọi người bị định kiến rằng Thực Dưỡng là một chế độ ăn hà khắc với những luật lệ nghiêm ngặt, đồng thời tránh việc những người vẫn còn ham muốn ăn thịt từ bỏ hứng thú tìm hiểu về triết lý Thực Dưỡng. Tiên sinh luôn mong muốn Thực Dưỡng được xem xét một cách tổng quan, bao hàm nhất, thay vì những cách nhìn nhận đi sâu vào chi tiết mà quên đi sự liên hệ với mọi nhân tố khác.

    41qI 8nS3OL. SY344 BO1,204,203,200

    Trong các bài viết vào khoảng những năm 1970, Herman và Cornellia Aihara xếp thịt động vật vào nhóm thực phẩm xa xỉ và chỉ nên ăn vào những dịp đặc biệt. Thực tế thì Cornellia vẫn nấu món gà tây và các món thịt khác vào dịp Lễ Tạ Ơn trong nhiều năm liền, đồng thời còn đưa ra công thức chế biến trong cuốn Calendar Cookbook. Cả Ohsawa và Aihara đều đưa ra những chỉ dẫn về cách chế biến và nấu nướng các sản phẩm từ thịt một cách thích hợp, và hai người cùng chung quan điểm cho rằng thịt động vật là không cần thiết cho một đời sống khỏe mạnh. Đến những năm 1980, trong các cuốn sách của mình, Michio và Aveline Kushi cũng xếp thịt vào nhóm thực phẩm cần tránh tối đa có thể. Việc này dường như làm Thực Dưỡng trở nên quá cứng nhắc với mọi người, điều mà tiên sinh Ohsawa luôn cố gắng tránh ngay từ đầu. Khi mọi người đọc được các bài viết của Ohsawa và Aihara, họ trở nên bối rối với câu hỏi: Liệu tôi có thể ăn thịt trong khi thực hành phương pháp Thực Dưỡng không?

    Tôi cho rằng Thực Dưỡng đủ rộng lớn để luôn có chỗ cho tất cả mọi người, bất kể họ có ăn thịt hay không. Điều quan trọng của phương pháp này là chỉ cho chúng ta thấy mọi sự đối nghịch đều hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta hoàn toàn có thể dung hoà cả hai luồng quan điểm: ăn thịt hoặc không ăn thịt khi thực hành Thực Dưỡng. Ý kiến nào cũng đáng được tôn trọng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rõ những vấn đề của từng quan điểm kể trên.

    VỚI CHẾ ĐỘ ĂN CÓ THỊT

    Một điểm cốt lõi trong triết lý Thực Dưỡng chính là việc chấp nhận sự khác biệt của mọi sự vật.

    Một chế độ ăn theo phương pháp Thực Dưỡng sẽ chọn thực vật làm nguồn thực phẩm chính. Việc ăn một lượng nhỏ thịt được chăn thả tự nhiên không hề làm thay đổi nguyên tắc đó. Điều đó không đồng nghĩa với việc tiên sinh Ohsawa, Aihara hay những người thực hành Thực Dưỡng khác dung túng cho các phương pháp chăn nuôi ngược đãi và tàn nhẫn.

    Những người có quan điểm không nên ăn thịt cho là khi nói rằng có thể ăn một lượng nhỏ thịt trong thực đơn hàng ngày, có thể dẫn đến việc những người khác tin rằng mình có thể ăn thịt khi nào mình muốn và với số lượng tùy ý. Điều đó không hề đúng. Cả Ohsawa và Aihara đều đã viết rất nhiều về sự tác hại của việc ăn thịt, đặc biệt là với chất lượng thực phẩm ngày nay.

    Có một thực trạng trong việc thực hành Thực Dưỡng cần được nhắc đến: Đó là nhiều người nghĩ rằng vì họ không ăn thịt nên họ phát triển cao hơn về mặt tâm linh, có trí phán đoán tốt hơn những người ăn thịt. Một số người ăn chay Thực Dưỡng thậm chí còn không muốn ngồi cùng bàn với những người ăn thịt.

    Dù một người chọn việc ăn thịt hay không ăn thịt thì thái độ đằng sau quyết định đó đều quan trọng như nhau. Một điểm cốt lõi trong triết lý Thực Dưỡng chính là việc chấp nhận sự khác biệt của mọi sự vật. Có thể bao dung với các quyết định của người khác là điều rất quan trọng, đặc biệt khi nhận ra tất cả chúng ta đều có một sợi dây chung liên kết.

    Một lý do khác mà nhiều người từ bỏ thịt khi thực hành phương pháp Thực Dưỡng là vì họ đang cần trị bệnh. Nhiều khi khuyên người bệnh bỏ hoàn toàn thịt dễ dàng hơn là hướng dẫn cho họ cách chế biến cũng như ăn chúng đúng cách. Mặc dù có nhiều lý do cho việc hạn chế thịt, nhưng sự cấm đoán tuyệt đối có thể gây ra những hiểu nhầm không đáng có với Thực Dưỡng. Điều đáng lo ngại nhất ở đây là mọi người dễ sa đà vào việc tuân thủ chế độ ăn cứng nhắc, thay vì nghiên cứu và thấu hiếu triết lý Thực Dưỡng.

    337177 c5c990b0 3307 11e4 8a4b 7e97d9b4891e

    VỚI CHẾ ĐỘ ĂN KHÔNG THỊT

    Một vấn đề với chuyện cấm đoán ăn thịt là nó làm cho những người cần ăn thịt cảm thấy lo lắng quá mức. Joe, một người bạn của tôi, cần ăn thịt gà và anh ấy đã từ bỏ Thực Dưỡng vì chuyện cấm đoán đó. Anh ấy cũng bỏ luôn toàn bộ triết lý Thực Dưỡng chỉ vì một sự hiểu nhầm. Đã có bao nhiêu người hành động tương tự chỉ vì nhận thức có phần hạn hẹp như vậy?

    Một vấn đề khác là khá nhiều những người hướng dẫn Thực Dưỡng có dùng thịt trong thực đơn hàng ngày của mình. Nhiều năm về trước, tôi đã tham dự một buổi diễn thuyết tuyệt vời của một người hướng dẫn Thực Dưỡng, anh ấy đã đưa rất nhiều lý do cho việc cần hạn chế tối đa các thực phẩm từ sữa. Tôi thật sự cảm thấy bài nói chuyện rất bổ ích và đã đến gặp anh ấy để nói lời cảm ơn. Lúc đó anh ấy đang ăn ngũ cốc nguội với sữa. Tôi đã thật sự bị sốc và tự hỏi tại sao anh ấy không thực hành như những gì anh ấy giảng giải.

    Vài năm sau, tôi đã biết được lý do khi tham dự một buổi gặp mặt của những người hướng dẫn Thực Dưỡng. Chúng tôi đã được hỏi rằng bao nhiêu trong số chúng tôi đã không ăn trứng hay thịt trong thời gian vài tháng qua. Chỉ có 1 trong số 60 người ở đó giơ tay. Tôi thật sự thấy bối rối. Lý lẽ được đưa ra đó là những người này nắm được nguyên lý về Thực Dưỡng nên có thể chế biến, định lượng và ăn các thực phẩm đó một cách hợp lý.

    Tôi bắt đầu cho rằng việc ăn thịt là ổn đối với những người nắm rõ nguyên lý Thực Dưỡng và không ổn với những người còn mù mờ. Vậy tại sao không nói điều đó với mọi người ngay từ đầu? Tại sao không hướng dẫn cách sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc động vật một cách lành mạnh, thay vì cố ngăn cấm mọi người tránh chúng một cách tối đa?

    Thực Dưỡng vốn là những nguyên lý về trật tự vũ trụ mà ta có thể áp dụng vào mọi mặt trong cuộc sống. Tuy nhiên, dường như Thực Dưỡng đã bị bó hẹp lại thành một chế độ ăn để chữa bệnh và các nguyên lý trở nên không được quan tâm nhiều lắm. Thực Dưỡng (Macro-biotics) đã bị giới hạn và không còn mang ý nghĩa rộng lớn (macro) như đúng cái tên của mình nữa.

    ĂN THỊT ĐÚNG CÁCH

    Phần này sẽ trình bày các ý tưởng để sử dụng thực phẩm động vật theo triết lý Thực Dưỡng. Những gợi ý này không có ý khuyên mọi người nên thêm thịt trong khẩu phần ăn của mình hay bỏ qua sự thận trọng khi sử dụng chúng. Sử dụng hoặc không sử dụng thịt khi thực hành phương pháp Thực Dưỡng, đó hoàn toàn là quyết định cá nhân của từng người.

    red meat 29 06 2012

    Tình trạng bệnh: Về cơ bản thì thịt là thực phẩm có tính tạo axit và tạo thêm gánh nặng cho cơ thể nhiều hơn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Vì lý do này (và nhiều lý do khác) nên những người đang có bệnh nên sử dụng một cách thận trọng hoặc cần được hướng dẫn bởi một người có kinh nghiệm. Những ai hoàn toàn khỏe mạnh cũng nên nghiên cứu bản chất tự nhiên cũng như các tác động của thịt trước khi dùng.

    Thể trạng: Một số người cảm thấy ổn khi ăn các thực phẩm có nguồn gốc động vật và một số thì không như vậy. Sự thật là không có sự vật nào giống nhau hoàn toàn, cơ thể của chúng ta cũng như vậy. Ví dụ, nhiều người có nhóm máu O chia sẻ với tôi rằng họ cảm thấy tốt hơn khi bổ sung thêm thịt, trong khi những người có nhóm máu A lại cảm thấy ổn hơn khi dùng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật và tránh dùng thịt.

    Mục đích: Mục đích khi thực hành Thực Dưỡng cũng là một yếu tố ảnh hướng đến việc người đó có dùng các thực phẩm có nguồn gốc động vật hay không. Những ai thực hành Thực Dưỡng nhằm phát triển về mặt tinh thần sẽ thấy mình phù hợp với những lời dạy của tiên sinh Ohsawa hay Aihara hơn – sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật và tránh tối đa thịt động vật. Những ai có nhu cầu chữa trị cũng có thể áp dụng như vậy, trừ khi cần linh hoạt thay đổi để phù hợp với tình trạng bệnh.

    Sự hấp dẫn: Tôi nhớ có lần Cornellia từng khuyên một anh chàng cần ăn dương hơn, có thể bao gồm cả việc ăn thịt một cách thích hợp. Bà nghĩ rằng anh ta không đủ dương tính để thu hút những người phụ nữ âm tính. Chúng ta có thể không đồng ý với lời khuyên của Cornellia nhưng không thể phủ nhận quy luật – trái dấu thì hút nhau.

    Chất lượng: Khi lựa chọn thực phẩm thì chất lượng cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Theo tôi, khi sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc động vật thì yếu tố chất lượng lại càng quan trọng hơn. Hãy lựa chọn các loại thực phẩm không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất bảo quản, phụ gia hay các hóa chất độc hại khác. Nguyên tắc cơ bản là: Sai ít thì dễ sửa. Với thịt động vật thì bạn nên chọn nơi có nguồn gốc đảm bảo, động vật được chăn thả tự nhiên và được nuôi bằng các thực phẩm hữu cơ.

    Số lượng: Tiên sinh Ohsawa đã dạy: “Lượng có thể giết chết phẩm.” Theo kinh nghiệm của tôi thì chỉ một chút thực phẩm có nguồn gốc động vật cũng có thể gây ra nhiều hậu quả, ví dụ như một chiếc bánh mỳ trứng. Luôn nhớ rằng chỉ nên ăn các thực phầm cần thiết cho thể trạng và mục đích của bản thân. Nếu thể trạng của bạn cần bổ sung các thực phẩm có nguồn gốc động vật thì bạn có thể mua xương về ninh nước dùng để nấu canh, phần khoáng chất trong xương vẫn sẽ được hấp thu mà không lo việc ăn phải quá nhiều chất béo.

    Âm/Dương: Thường thì các thực phẩm có nguồn gốc động vật được xếp vào nhóm thịnh dương, nhưng chúng cũng có cả yếu tố âm. Chất béo có trong các loại thịt rất âm và thường thì là thứ cơ thể khó cân bằng nhất. Theo như lời dạy của tiên sinh Ohsawa, nếu chế độ ăn của bạn có thịt thì bạn nên ăn bớt ngũ cốc lại và bổ sung thêm salad hay trái cây.

    Biến dịch: Tất cả mọi thứ đều biến dịch. Thực Dưỡng nên được áp dụng một cách linh hoạt và thích nghi với từng trường hợp. Bạn có thể thay đổi phương pháp chế biến để cân bằng lại thực phẩm, khiến chúng trở nên hài hòa, cân bằng với cơ thể của mình hơn.

    Bề mặt/Bề lưng: Cái gì có bề mặt thì sẽ có bề lưng, bề mặt càng lớn thì bề lưng càng rộng. Tiên sinh Ohsawa đã nhắc nhở chúng ta rằng cái gì càng có lợi thì cũng có thể càng có hại. Mù quáng tuân theo một chế độ hay phương pháp nào đó mà không thấu hiểu, nắm bắt được nguyên lý nền tảng sẽ vô cùng nguy hiểm. Việc ăn thịt mà không biết cách sử dụng thích hợp cũng như vậy.

    HỆ QUẢ

    Tiên sinh Ohsawa đã từng nói, “Hãy thử và cảm nhận”. Dù chúng ta có ăn hay uống bất cứ thực phẩm nào, điều quan trọng nhất là ước định được hệ quả của việc đó. Nếu chúng ta cảm thấy tệ hơn, tự nhiên nhu cầu dùng các thực phẩm gây ra sự không thoải mái đó của chúng ta tự sẽ giảm xuống.

    Dù chúng ta có chọn ăn thịt hay không, chúng ta cũng cần hiểu rõ về chúng và tôn trọng quyết định của người khác. Thực Dưỡng không phải những quy tắc cứng nhắc, mà là một triết lý đầy linh hoạt và có thể áp dụng trong mọi mặt đời sống. Mọi hình thái hay cách hiểu về Thực Dưỡng đều có ý nghĩa và giá trị riêng của nó. Càng bao dung với người khác, chúng ta sẽ càng tự do và hạnh phúc hơn.

    – Carl Ferré –

    Dũng PhD

    dung.phamduc90@gmail.com

    Gửi

    Bài viết liên quan