Bạn đã bao giờ thấy một đứa trẻ béo tốt, mập mạp mà lại có một người mẹ gầy gò trông như bị suy dinh dưỡng chưa? Hay bạn đã từng thấy một đứa trẻ gầy gò, chân tay lòng thòng nhưng có một cái bụng trương phình? Nhiều năm qua tôi đã tiếp xúc với nhiều gia đình cố gắng thực hiện một lối sống và chế độ ăn lành mạnh nhưng có vẻ như vẫn không thể kiểm soát được vấn đề cân nặng của con cái hay chính bản thân họ. Tôi sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm của mình với các bạn.
Đầu tiên, bạn có thể quên mấy cái biểu đồ phát triển hay tăng trưởng tiêu chuẩn gì gì đó đi. Mấy cái biểu đồ đó được xây dựng từ dữ liệu của những nhóm người có khẩu phần chính là thịt và có dùng đường. Những ai theo chế độ Thực Dưỡng, đặc biệt là trẻ em, cần có một biểu đồ của riêng mình do có những sự khác biệt:
Từ lúc răng bắt đầu phát triển (thường thì những đứa trẻ Thực Dưỡng thường không mọc răng nanh cho đến khi 3 tuổi, vì chúng hầu như không ăn thịt), đến khi bắt đầu có kinh nguyệt (những bé gái theo chế độ Thực Dưỡng thường chưa có kinh nguyệt cho đến khi khoảng 14-17 tuổi), đến lúc phát triển các kỹ năng vận động (những đứa trẻ có bố mẹ theo chế độ Thực Dưỡng phát triển các kỹ năng vận động tinh [khả năng điều khiển bàn tay và các ngón tay] nhanh hơn so với kỹ năng vận động thô [sự phát triển và phối hợp của những nhóm cơ lớn như bò, trườn, chạy,…]). Song song với những giai đoạn này cũng như các giai đoạn phát triển khác, chỉ số về chiều cao và cân nặng của những đứa trẻ được nuôi dạy theo chế độ Thực Dưỡng sẽ khác biệt với những đứa trẻ khác. Không ăn nhiều thịt nặng nề nên chúng sẽ thường nhẹ cân hơn.
Mặt khác, sự phát triển thường diễn ra khá chậm vào cuối mùa hè, mùa thu và mùa đông khi mà năng lượng có tính hướng xuống, co vào trong và có tính trôi nổi. Sự phát triển thường diễn ra mạnh mẽ vào mùa xuân và mùa hè khi mà năng lượng có tính hướng lên, bành trướng ra bên ngoài. Thường thì đối với trẻ nhỏ, thời gian này trong năm chúng thường khá hiếu động, hay chạy nhảy nô đùa nên sự tăng cân của chúng cũng khó nhận ra hơn.
Trong tương lai, tôi muốn ngày càng thấy nhiều hơn những biểu đồ cũng như ghi chép, nghiên cứu về sự tăng trưởng và phát triển về những đứa trẻ Thực Dưỡng để bố mẹ chúng có thể có những hướng dẫn giúp họ xác định được tình trạng sức khỏe của con mình mà không phải dựa vào những biểu đồ thông thường hiện nay.
Mang thai
Trong thời gian mang thai, nếu người mẹ có một chế độ ăn phong phú về chủng loại thức ăn cũng như phương pháp chế biến (thỏa mãn đủ nhu cầu cần thiết mà vẫn tuân theo chế độ Thực Dưỡng tiêu chuẩn, thỉnh thoảng có thể chè chén một chút), thì người mẹ sẽ có đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho bản thân và đứa con của mình. Vấn đề lớn nhất khi mang thai chính là người mẹ thường trở nên quá dương, quá căng thẳng, làm việc quá nhiều, ăn uống rộng hơn và bừa bãi hơn. Riêng việc mang thai vốn đã khiến người mẹ trở nên rất dương, cộng thêm các căng thẳng trong cuộc sống thường nhật, cũng như lo lắng cho sức khỏe của đứa bé, làm cho người mẹ ngày càng dương hơn. Khi tình trạng này diễn ra, thay vì lao vào các thức ăn cực âm như sốt cà chua, trái cây, kem, kẹo ngọt thì người mẹ cần nới lỏng các nguyên nhân gây ra sự dương hóa hoặc ăn rộng ra một cách hợp lý, đảm bảo đủ cả hai yếu tố âm và dương, ví dụ như có thể ăn thêm cá, nấu đồ ăn lâu hơn, dùng nhiều dầu hơn, ăn nhiều salad hơn, dùng các loại trái cây và đồ tráng miệng lành mạnh. Những thức ăn âm tính mạnh kia có xu hướng rút mất canxi và các khoáng chất khác ra khỏi cơ thể, khiến người mẹ suy yếu và đôi khi có dấu hiệu thiếu máu, xanh xao. Đứa bé thường hấp thu những gì nó cần từ cơ thể người mẹ, khiến cho người mẹ bị thiếu chất và thường rất gầy gò.
Để bảo đảm chế độ ăn có đủ canxi, người mẹ có thể ăn các loại rong biển (không tẩm muối), đậu phụ, các loại rau xanh lá, vừng, có thể dùng bơ mè nấu chín để làm sốt, hay cũng có thể ăn một chút cá. Trong chế độ Thực Dưỡng, chất đạm rất dồi dào trong các loại ngũ cốc nguyên cám hay các loại đậu. Rong biển và rau xanh lá còn chứa nhiều vitamin C hơn các loại trái cây họ cam quýt. Ngoài ra trong chế độ Thực Dưỡng, sắt được cung cấp từ các loại ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, rau xanh lá, các loại hạt và rong biển. Vitamin cũng có rất nhiều trong vô số loại thực phẩm tự nhiên toàn phần trong chế độ Thực Dưỡng.
Sau khi đứa trẻ được sinh ra, người mẹ thường mắc sai lầm trong việc cố gắng “bồi bổ”. Người mẹ nên tiếp tục ăn rộng và lành mạnh. Nếu người mẹ đột nhiên cắt giảm thức ăn so với lúc mang thai, các dưỡng chất dư thừa có khả năng sẽ tiết ra thông qua sữa và đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng. Thường thì chúng sẽ bị phát ban hoặc dị ứng và giảm cân. Người mẹ, khi nhìn thấy những nốt phát ban sẽ nghĩ chế độ ăn của mình đang không tốt cho đứa bé và lại có xu hướng ăn chặt hơn nữa. Điều này cứ tiếp tục diễn ra cho đến khi sữa của người mẹ trở nên bị loãng và khiến đứa trẻ cần ăn các loại thức ăn rắn quá sớm hoặc phải bổ sung các loại thực phẩm khác để tăng cân và phát triển.
Con béo – Mẹ gầy
Con béo còn mẹ gầy là tình trạng thường thấy khi người mẹ ăn theo một chế độ quá “chặt” hay quá “sạch”. Mọi thứ người mẹ ăn vào thường xuyên được dự trữ để nuôi dưỡng cho đứa bé khiến người mẹ trở nên quá yếu để làm bất kỳ việc gì. Do đó mọi người trong nhà phải giúp đỡ họ trong công việc ở cơ quan, công việc nội trợ hay chăm sóc những đứa trẻ khác. Tất cả các bà mẹ mới sinh đều cần một chút trợ giúp sau khi sinh xong, nhưng thường thì họ quá yếu đến mức làm việc nhà hàng ngày thôi cũng đã đủ mệt lử. Cứ như vậy người mẹ không thể trở lại nhịp độ cuộc sống bình thường trước đây sau 1-2 năm.
Đôi khi sau khi sinh, người mẹ quá lo lắng đến cân nặng và vóc dáng của mình. Những bà mẹ trẻ luôn cố gắng tập luyện, ăn kiêng để nhanh chóng lấy lại vóc dáng. Việc này có thể sẽ làm cho sữa bị loãng và hậu quả là đứa trẻ đòi ăn liên tục, cả ngày và đêm, khiến cho cả mẹ và con đều mệt mỏi, gầy gò.
Một nguyên nhân khác khiến sữa mẹ bị loãng và đứa trẻ đòi ăn quá nhiều chính là việc người mẹ dùng quá nhiều trái cây, nước ép và đồ ngọt. Những thức ăn âm tính này làm sữa tiết ra rất nhiều, nhưng vấn đề là khi đó sữa lại bị loãng và đứa trẻ sẽ tiêu hóa rất nhanh, do đó không thể thỏa mãn đủ nhu cầu về dinh dưỡng của chúng và chúng sẽ tỉnh lại rất nhanh sau khi được cho bú. Một lượng sữa ít nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ làm đứa trẻ no lâu hơn. Để kiểm tra, bạn có thể để một giọt trên ngón tay cái và lật lại, nếu giọt sữa bị rơi chứng tỏ sữa đang bị loãng.
Để có một nguồn sữa tốt, đầy đủ dưỡng chất, hãy nghỉ ngơi thật nhiều sau khi sinh (ít nhất là 2 tuần), không nên leo cầu thang thường xuyên, hãy bổ sung các loại thức ăn nhiều dưỡng chất và thích hợp với cơ thể.
Bạn có thể ăn cá, tempeh, đậu phụ, các loại đậu đỗ, các món súp hay hầm, các loại ngũ cốc nguyên cám, dầu, các loại hạt rang (không tẩm muối), một số món ăn từ bột nhưng cần hạn chế tối đa các loại bánh nướng như bánh quy (cookies), bánh quy giòn (crakers), hay bánh mỳ. Bạn có thể ăn rong biển thường xuyên, thỉnh thoảng dùng thêm chút trái cây nấu chín, cũng có thể ăn một ít trái cây tươi hay salad tùy theo thời tiết. Đôi khi có thể dùng chút bia loại tốt để cân bằng dương tính của cá. Bạn cần ăn nhiều loại rau củ, đồng thời được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Các loại rau lá xanh đậm, đặc biệt là món xà lách xoong (watercress) chần rất tốt cho sữa. Cũng cần bổ sung một chút thực phẩm âm tính tốt nhưng trước hết vẫn cần dùng các loại thực phẩm dương tính để giúp sữa giàu dưỡng chất hơn. Phần “mỡ baby” mà người mẹ tích lũy trong thời gian mang thai sẽ biến mất dần một cách tự nhiên khi người mẹ hoạt động bình thường trở lại, và rồi người mẹ sẽ lấy lại được cân nặng và vóc dáng khi đứa trẻ cai sữa.
Một đứa trẻ gầy mà bụng lại trương phình, thường không quá hiếu động, có thể do trẻ đã ăn quá dương. Khi đã chuyển hoàn toàn sang ăn thức ăn cứng, chế độ ăn của trẻ cần được điều chỉnh lại để cân bằng với thể trạng của chúng. Cho đến khi được 3 tuổi, hoặc nhiều khi hơn nữa, trẻ không nên ăn các thức ăn của người lớn. Việc ăn quá nhiều muối, ngũ cốc nấu khô hay quá nhiều ngũ cốc, đồ nướng, ăn không đủ rau củ hay rau củ không đủ độ đa dạng, quá nhiều đồ nấu kỹ, bánh gạo hay các loại thức ăn cứng, khô các có thể khiến đứa trẻ trở nên quá dương. Khi đó, đứa trẻ sẽ dễ rơi vào tình trạng ăn quá nhiều để cố gắng cân bằng lại dương tính của cơ thể. Việc ăn quá nhiều khiến cho dạ dày và đường ruột hoạt động một cách nặng nhọc và thức ăn đi qua quá nhanh trước khi chúng được tiêu hóa một cách hoàn toàn. Vì thế bụng đứa trẻ luôn trương phình trong khi cơ thể vẫn gầy gò, luôn trong tình trạng đói và thèm đồ ngọt, trái cây. Khi đó, bạn hãy bớt các yếu tố dương hóa ra khỏi chế độ ăn của trẻ, đồng thời cũng không nên trữ trái cây, đồ ngọt trong nhà, chỉ nên cho trẻ ăn thêm nhiều rau củ, có thể tạm thời ngừng ăn ngũ cốc một vài ngày cho đến khi tình trạng được cải thiện. Trẻ sẽ sớm thấy đói bụng và sẽ thưởng thức các loại rau củ một cách ngon lành đồng thời vẫn thấy đủ chất. Loại bỏ các thực phẩm cực dương, đặc biệt là muối có thể sẽ giúp trẻ bớt ương ngạnh, cứng đầu hơn. Đặc biệt lưu ý đến việc ăn trứng, không nên cho trẻ đang trong tình trạng thừa dương ăn trứng, nó có thể làm con người dương hóa một cách mạnh mẽ và trở nên bướng bỉnh, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Trong giai đoạn đang tập bò, một đứa trẻ múp míp không nên bị coi là thừa cân. Phần cân nặng dư thừa sẽ dần dần giảm đi khi trẻ bò, tập đi rồi chạy. Nếu trẻ quá hiếu động, khoảng 3 tuổi rồi mà vẫn quá béo thì cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng trừ khi nguyên nhân của việc này là dùng quá nhiều muối và thực phẩm thịnh âm. Khi đó, trẻ có thể bị viêm tai, viêm họng, cảm lạnh hay sung huyết ngực. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do trong chế độ ăn có quá nhiều: ngũ cốc xay vỡ, các thực phẩm từ bột, các món nhiều dầu mỡ, sữa đậu nành hay phô mai hoặc các loại đồ nướng.
Sức khỏe của một đứa trẻ nên được đánh giá qua các yếu tố như sắc độ của cơ bắp, mức độ hoạt động, sự nhận thức, sự tỉnh táo, sự hiếu kỳ ham hiểu biết, các chức năng tinh thần nói chung cũng như cảm xúc chứ không phải qua các chỉ số, tỷ lệ.
Khi trẻ lớn hơn và bắt đầu tham gia các hoạt động thể thao, chúng cần bổ sung nhiều hơn các loại đậu đỗ, dầu và các món tráng miệng lành mạnh song song với việc ăn nhiều loại ngũ cốc, rau củ và rong biển. Nếu chúng không có cảm giác no đủ, thỏa mãn khi ăn uống ở nhà, chúng sẽ tìm đến kẹo, các thực phẩm bơ sữa, khoai tây chiên hay trái cây nhiệt đới mà bạn bè chúng ăn ở trường.
“Weight Concerns for Mothers and Babies” Macrobiotics Today, July/August 1994
– Diane Avoli, Giảng Viên Thực Dưỡng Kushi Institute