Ở Việt Nam thì ẩm thực Nhật Bản không được nhiều người biết đến, ngoại trừ những món quá quen thuộc như Sushi và Tempura. Nhưng sự nổi tiếng này không hẳn là bắt nguồn từ sự thận thuộc đối với người Việt mà là một ảnh hưởng từ phía phương Tây. Không riêng gì ẩm thực nói riêng mà toàn bộ nền văn hóa Nhật Bản nói chung đều rất xa lạ với người Việt, nhưng lại không xa lạ với người phương Tây và người Việt biết được Nhật Bản qua ngã phương Tây đó. Trong mấy thập kỷ gần đây thì món ăn Nhật đã bắt đầu có được chỗ đứng vững chắc giữa lòng các nước phương Tây.
Phải thừa nhận rằng ẩm thực Nhật Bản không hợp với số đông, vì nó không chuộng những vị đậm, béo ngậy dễ làm mê lòng người như ẩm thực Trung Hoa hay Pháp quốc. Không dùng nhiều gia vị, cốt thưởng thức cái “tươi sống”, tức là cái chất nguyên thủy của thực phẩm chưa qua biến đổi là một đặc trưng của ẩm thực Nhật Bản. Vì vậy nhiều người cảm thấy không quen, lạc miệng và khó ăn. Nhiều người Việt cho rằng món ăn Nhật giống như món ăn kiêng của người bệnh, vì nó không có mùi vị gì đặc biệt hoặc lạ thường để kích thích vị giác của họ. Đúng như vậy, tránh kính thích quá mạnh cũng là một đặc điểm của phong cách ăn uống Nhật. Người Nhật không thích vị cay, không chuộng những vị quá mức như quá ngọt hoặc quá mặn. Đối với người Việt thì có thể món này là vừa miệng nhưng đối với người Nhật nó vượt quá ngưỡng cho phép của họ. Do vậy người Nhật rất chú trọng đến sự tinh tế của mùi vị, chỉ cần sai biệt một tí chút cũng đủ để họ cảm nhận được.
Người ta thường mô tả món ăn Nhật là những thứ nhạt nhẽo khó vừa miệng, nhưng người nào đã vượt qua được cửa ải này thì cũng đều say mê nó hết. Một điểm khó nữa trong cách ăn uống của người Nhật là thường ăn những thứ đồ lên men. Người Tây phương thường than phiền rằng họ không hiểu tại sao người Nhật lại có thể bình thản mà ăn những thứ mốc meo được như thế. Vâng, đúng là trong ẩm thực Nhật có rất nhiều món lên men, như Nattou, một số loại đậu phụ, rau củ muối,…. và chúng chiếm một vị trí rất quan trọng trong bữa ăn hàng ngày. Nhưng nếu xét kỹ thì tất cả chúng ta đều ăn đồ thối, bất cứ dân tộc nào cũng có những món lên men, khó ngửi đối với dân tộc khác. Đối với người Việt thì đó là các loại mắm, đối với người Tây phương là những món làm từ sữa lên men, như phó mát chẳng hạn. Nên chúng ta cần phải có cái nhìn rộng rãi hơn về mặt này. Ăn thử một món ăn của nước bạn cũng là hình thức bày tỏ sự kính trọng, hữu hảo của mình đối với một văn hóa lạ.
Nhưng dù có vừa miệng hay không thì bất cứ ai cũng đều thừa nhận một số đặc điểm của ẩm thực Nhật. Đầu tiên là “ăn bằng mắt“. Nhật là một dân tộc có yêu cầu thẩm mỹ cao nên đến món ăn cũng không dừng lại ở ngon miệng, no bụng mà còn phải đẹp nữa. Món ăn khi dọn ra thường được sắp xếp rất hài hòa và đẹp mắt. Nếu ai đã từng tiếp xúc với món ăn Nhật thì đều có thể dễ dàng hiểu được điều này và thừa nhận rằng về hình thức thì món ăn Nhật xứng đáng dẫn đầu trong làng ẩm thực Thế giới. Nét đẹp của nó không bắt nguồn từ sự phồn thịnh, đầy đủ, rượu thịt ê hề như ở phương Tây mà là từ sự đơn giản và hài hòa giữa màu sắc của món ăn mà bàn tay người đã khéo léo sắp đặt. Những người biết cắm hoa sẽ dễ dàng hiểu được điều này. Không cần phải có những loại hoa cầu kỳ cố định nào, mà nghệ nhân chỉ cần dùng bất cứ thứ gì lọt vào tay mình, như ngọn cỏ, cọng rơm cũng đều có thể biến nó thành một bình hoa nghệ thuật được. Điểm đặc biệt ở ẩm thực Nhật Bản cũng giống như vậy, nó thể hiện hết bốn chữ “u, nhàn, thanh, nhã“. Nói cách khác, tuy ít kích thích về vị giác nhưng món ăn Nhật lại có sức hút với thị giác rất mạnh.
Một điểm nữa mà ai cũng phải thừa nhận rằng món ăn Nhật rất tốt cho sức khỏe. Không phải ngẫu nhiên khi đất nước này lại có được nhiều người cao tuổi nhất Thế giới. Tuổi thọ bình quân cao hơn những nước khác. Theo truyền thống, người Nhật không ăn thịt (nhất là thịt bò), trừ thịt chim và gà, ăn nhiều rau cải và cá nên không bị mắc những chứng bệnh tim mạch như phương Tây. Không sử dụng nhiều gia vị, không ăn vị quá kích thích cũng là một cách giữ gìn sức khỏe. Nhưng cũng chính vì thế mà thể trạng người Nhật thường thấp, lùn. Mãi đến thời Minh Trị, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây mà người ta mới bắt đầu ăn thịt, uống sữa. Qua nhiều thế hệ thì chiều cao đã được cải thiện nhưng cũng từ đó xuất hiện những thói quen “xấu” (theo quan điểm người xưa) trong ăn uống. Đến gần đây thì lối ăn uống truyền thống mới được nhìn nhận lại và cùng tồn tại song song với lối ăn uống kiểu Tây Âu.
Người Nhật thích ăn đồ tươi sống, gần với cái thiên nhiên nguyên thủy nhất, do đó khâu tuyển chọn thực phẩm cũng rất gắt gao. Nguyên liệu phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn mới được phép chế biến. Đầu bếp phải học nghề rất lâu và có bằng của nhà nước cấp mới được phép hành nghề. Do đó không cần phải lo ngại về mặt sức khỏe khi ăn những thứ tươi sống ở Nhật. Khâu kiểm soát chất lượng thực phẩm của Nhật được thừa nhận là hàng đầu Thế giới. Một điểm nữa trong lối ăn uống thể hiện đậm chất văn hóa, tính cách của người Nhật là ăn đúng lúc, đúng thời, mùa nào thức ấy. Đây cũng là một cách để cảm nhận thiên nhiên, sự thay đổi của khí tiết tốt nhất. Còn gì bằng khi cảm nhận được sự thay đổi này tác động vào cơ thể con người rõ rệt như vậy. Có lẽ khí hậu Việt Nam không phân chia rõ rệt như ở Nhật nên người Việt cũng ít chú trọng vào mặt này như ở Nhật.
Nguồn: japanest.com, macrobiotic.gr.jp