Thực Dưỡng ・ Nhập Môn Thực Dưỡng ・

Viết Trên Tạp Chí Đẹp 5/2014

Anh Yu 26 Thg 04

XEM NHANH

    Như đã nhá hàng, Bếp Thực Dưỡng hân hạnh được cộng tác với chị Hoàng Anh @ Lăn Vào Bếp (http://lanvaobep.org) thực hiện 1 bài viết hoành tá tràng trên tạp chí Đẹp số tháng 5/2014 hiện đang phát hành toàn quốc với 3 món ăn kinh điển mới toanh chưa từng giới thiệu trên bepthucduong.com. Vì là tạp chí Đẹp nên chắc hình ảnh không thể xấu được đâu hihi. Sau đây là trang bài viết, giới thiệu thêm 3 món ăn:

    – Củ cải kho nishime

    – Salad rong biển dưa leo

    – Cơm rang cà rốt cần tây

    Nấu ăn theo kiểu thực dưỡng – macrobiotic, có nguồn gốc từ Nhật Bản do tiên sinh George Ohsawa khởi xướng. Đây không phải lối ăn chay hoàn toàn cũng không hẳn là ăn mặn, mà tập trung sử dụng những nguyên liệu tự nhiên, không qua chế biến công nghiệp, hóa chất, hạn chế tối đa sản phẩm động vật, chú trọng sự hòa hợp với thời tiết và địa phương.

    Ở Việt Nam, nhiều người thường gọi và hiểu một cách hạn hẹp là phương pháp gạo lứt muối mè, phương pháp ăn số 7 và phần nhiều mang tính chữa bệnh. Mục đích của thực dưỡng không chỉ là để chữa bệnh cho con người, nó còn hướng tới giúp con người đạt được sự hài hòa về thể xác, lẫn tinh thần, hòa nhập cùng cuộc sống của tự nhiên. Cơ thể được hình thành từ các tế bào, các tế bào được nuôi dưỡng bởi máu và thực phẩm là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng của máu huyết. Do đó, chúng ta cần ăn đúng để có dòng máu khỏe, cơ thể sẽ tự chống chọi với tất cả bệnh tật, tinh thần an vui.

    Về tổng thể,  các thực phẩm thường được khuyên dùng là:

    • Ngũ cốc nguyên cám (khoảng 60%) : gạo lứt, kê, bắp, nếp, lúa mì, yến mạch…
    • Rau củ (khoảng 25%): củ cải, cà rốt, bí đỏ, bắp cải, bông cải, rau cải…
    • Đậu và rong biển (khoảng 10%): đậu đỏ, đậu xanh, đậu gà, đậu phụ, rong biển phổ tai, wakame…
    • Các thực phẩm khác (khoảng 5%): trái cây, các loại hạt, gia vị, thực phẩm lên men, tôm, cá nhỏ tùy theo nhu cầu cá nhân.

    Phương pháp thực dưỡng còn chú trọng đến cách nấu và cách ăn.

    Nguyên liệu tự nhiên và đơn giản là tốt nhất cho việc tạo ra bữa ăn ngon lành, bổ dưỡng. Người đầu bếp có thể thay đổi chất lượng của thực phẩm. Nấu ăn “mạnh” hơn với việc  dùng áp suất cao, nhiệt cao, nhiều muối và thời gian dài hơn sẽ làm cho năng lượng của thực phẩm trở nên cô đọng và và kích hoạt hơn. Ngược lại với các yếu tố trên, việc nấu ăn “nhẹ” hơn mang lại năng lượng thấp và thư thái, giải tỏa hơn. Một người đầu bếp tốt sẽ biết kiểm soát các nguyên liệu và cách nấu để phù hợp với thời tiết, môi trường và tình trạng cơ thể người ăn sao cho cân bằng tự nhiên.

    Cách ăn cũng quan trọng như chính món ăn. Cố gắng giữ cho bữa ăn thư thái và nhẹ nhàng. Bạn có thể ăn đều đặn 2 hoặc 3 bữa trong ngày. Không nên ăn quá no và nên nhai kĩ. Mỗi món có một hương vị và ảnh hưởng riêng biệt, vì thế thực dưỡng khuyên không nên trộn quá nhiều loại nguyên liệu và món ăn lại trong một dĩa thức ăn khi dùng.

    Phương pháp thực dưỡng nhìn chung mang ảnh hưởng nhiều từ văn hóa ẩm thực Nhật Bản, vốn rất lành mạnh. Tuy nhiên ngày nay dù bạn sống ở đâu, Việt Nam hay Mỹ, thì những nguyên lý thực dưỡng vẫn áp dụng được linh hoạt với những thực phẩm sẵn có tại địa phương. Đây là một nghệ thuật sống trở về với tự nhiên, không chỉ đơn thuần là chữa bệnh, giúp cho con người đạt được sự tự do trong thân và tâm, để sống trọn một cuộc đời lâu dài có ý nghĩa. 

    Nếu viết về thực dưỡng thì mấy trăm trang chưa chắc đủ, mình chỉ “khứa” nhẹ như thế thôi cho bạn tìm hiểu thêm. Nấu ăn phong cách thực dưỡng đơn giản vô cùng, cực kì đơn giản, rất đơn giản nhắc lại là quá đơn giản không phức tạp, ai muốn phức thì cứ tạp 🙂

    Anh Yu

    Xếp có ý. Chụp có tình [Đặt mua sách nấu ăn]

    Gửi

    Bài viết liên quan