Trong tiếng Nhật, từ washoku (和食)được dùng để phân biệt các món ăn Nhật với các món ăn có ảnh hưởng từ nước ngoài- gọi là yoshoku. Washoku được hiểu nôm na là các món ăn Nhật Bản, các món ăn sử dụng các nguyên liệu quen thuộc ở Nhật, được hình thành tại Nhật Bản và phù hợp với địa lý, khí hậu trong nước.
Các món ăn truyền thống Nhật Bản nay đã trở nên nổi tiếng thế giới có thể kể đến như Sushi, Sashimi, Tempura, Soba… Một số món như Omuraisu (trứng tráng) hay mỳ Ramen ban đầu vốn bắt nguồn từ phương Tây hay Trung Quốc nhưng đã được người Nhật biến đổi, cải thiện qua một thời gian dài nên nước ngoài vẫn coi đó là một bộ phận của ẩm thực Nhật Bản.
Một đặc trưng quan trọng khác trong các món ăn truyền thống Nhật Bản chính là cảm giác về mùa. Người Nhật rất nhạy cảm với những thay đổi về thời tiết, khí hậu trong năm và mang cả những cảm giác đó vào các món ăn hàng ngày của mình. Nguyên liệu chế biến thức ăn phong phú đa dạng và thay đổi theo từng mùa.
Cũng chính từ sự nhạy cảm về mùa, người Nhật thường sử dụng những lá cây, quả, hoa theo mùa trong vườn nhà để trang trí cho món ăn.
Trong ẩm thực Nhật bản, 5 nguyên tắc đã trở thành triết lý là 5 màu, 5 vị, 5 phương pháp nấu, 5 giác quan, 5 quy tắc thưởng thức.
Từ xa xưa, người Nhật cho rằng, để đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng, mỗi bữa ăn cần có đủ 5 màu sắc là trắng, đỏ, vàng, xanh lục và đen (bao gồm những màu sẫm như màu nâu, màu tím).
[box type=”shadow”]
Một số món ăn truyền thống theo mùa của người Nhật:
Botamochi- bánh làm từ gạo nếp ăn với nước xốt từ hạt đậu đỏ vào mùa xuân, hạt Hagi/Ohagi vào mùa thu.
Chimaki- bánh từ bột gạo nếp dùng trong ngày lễ trẻ em (5/5)
Osechi- bánh mừng năm mới
Sekikhan- cơm đỏ, dùng cho các dịp lễ hội, ngày vui, sự kiện lớn.
Soba– mì dùng trong đêm giao thừa
[/box]
Một bữa ăn cần có sự kết hợp hài hòa và cân bằng các vị mặn, chua, ngọt, đắng, và umami để kích thích vị giác và cảm giác ngon miệng. Umami là cảm giác thứ năm về hương vị mà vị giác nhận biết được, có thể hiểu nôm na đó là cảm giác ngon miệng được người Nhật phát hiện ra. Ngày nay, Umani đã được cả thế giới công nhận.
Các món ăn truyền thống Nhật Bản được chế biến bằng 5 phương pháp chính là hầm, nướng, hấp, rán, và luộc. Trong số 5 phương pháp chế biến này, thì hầm, hấp và luộc được sử dụng phổ biến hơn cả do giúp giữ lại trọn vẹn nhất hương vị tự nhiên của nguyên liệu. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, giao thoa văn hóa, gần đây, các món rán đã xuất hiện nhiều hơn. Tại các quán ăn Nhật không truyền thống hiện nay, cách chế biến phổ biến nhất là nướng và rán.
[box type=”shadow”]
Một số nguyên liệu không thể thiếu trong bếp Nhật:
Cá bào (katsuo bushi): thành phần thiết yếu (cùng với rong biển tươi) trong việc nấu nước dùng.
Mù tạt xanh (wasabi): thường để ăn với các món sống.
Thất vị hương (shichimi togarashi): gia vị nêm tổng hợp gồm 7 vị khác nhau bao gồm: hạt tiêu, ớt đỏ, hạt gai, vỏ quýt khô, rong biển, vừng…
Mì: truyền thống có mì udon (làm từ bột mì trắng), soba (làm từ lúa mạch, sợi mì có màu nâu), cha soba (sợi mì có chứa bột trà xanh), somen (làm từ lúa mì, được sản xuất ở dạng sợi khô).
Vừng (goma): vừng trắng và vừng đen đều được sử dụng, vừng trắng phổ biến hơn.
Gừng muối: gari là loại gừng muối có màu hồng nhạt, thường được ăn kèm với sushi. Beni shoga là loại gừng muối có màu đỏ, thường được dùng để trang trí món ăn.
Miso: có thể hiểu là 1 dạng hỗn hợp lên men của đậu tương và gạo, đây là loại phổ biến nhất. Miso thường được dùng để nấu súp hoặc dùng để ướp các món ăn, làm nước chấm…
[/box]
(Sưu tầm)