Âm dương giống như một cô gái đẹp mà bất cứ kẻ nào đã chạm đến thì dường như rơi vào mê ảo mà chả bao giờ thoát nổi, như trong một ma trận mà không có lối ra. Trong mê ảo này, từ kẻ giả cho đến thằng trẻ, từ tóc bạc cho đến đầu xanh, từ lão niên trong nghề cho đến bọn sỉu nhi mới tập tọe, ai cũng tai tiếng thì nhiều mà tiếng thơm thì ít, và tôi cũng chả ngoại lệ. Nó chả khác nào một lời nguyền. Ai động đến nó thì dường như họ bị biến đổi, là nô lệ cho mụ yêu tinh xinh đẹp.
Chuyện thường ngày ở cái làng thực dưỡng vẫn là kẻ đứng bờ bên này sông và hét to cho kẻ đối diện “Sông này nó chảy từ phải qua trái”. Còn kẻ đối diện thì to mồm hét lại “Mày ngu, tao thấy nó chảy từ trái qua qua phải”. Trên không trung con kền kền lượn qua và nghĩ, bọn mày ăn cỏ thì vào giữa bãi mà ăn, thích thì húc nhau tao còn được miếng, ra bờ sông lở chết mẹ; ta đội ơn kẻ nào nghĩ ra cái trận đồ âm dương này, ha ha.
Nguyên lý thứ 5 của Trật tự vũ trụ nói “Tất cả đều biến đổi không ngừng; ổn định chỉ là trạng thái quân bình giữa hai biến đổi ngược chiều và được tạo tác bởi hai động lực cơ bản, phổ quát, biện chứng và đối lập nhau”. Vậy tại sao lại đi qui kết rằng một thứ gì đó là âm hay dương mãi mãi, một thứ gì đó là tốt hay xấu lợi hay hại. Âm (thái âm) hay dương (thái dương) chỉ là biểu hiện nhất thời trong một hoàn cảnh nào đó. Phải chăng chúng ta chỉ đang dán vào mắt 2 lá bùa âm dương và chả thấy cái mẹ gì khác. Trong cái hạn hẹp, mùa quáng và che mắt đó, người ta chỉ thấy sự cực đoan hữu hạn, kì thị cái âm và trọng dụng cái dương. Những người trọng dương chưa chắc đã khỏe mạnh hơn hay có khi lại bệnh cả thân lẫn tâm. Những người ăn chủ yếu trái cây và rau xanh có khi lại xinh đẹp khỏe mạnh và có một tâm hồn rộng mở. Âm dương đúng chỉ là một lời nguyền của mụ yêu tinh xinh đẹp. Âu cũng là nhân quả.
Nếu chúng ta cho rằng củ dền là âm là hại máu và vứt bỏ nó, thì có thể chúng ta đã vứt đi một thực phẩm tốt đẹp. Củ dền hoàn toàn có thể chế thành thức ăn bổ màu và tốt cho bệnh đau xương khớp, mặc dù bệnh đau xương khớp nghe có vẻ phải kiêng củ dền. Với những người cho rằng củ dền là âm là hại máu, thì họ cũng sẽ chỉ thấy đậu tương luộc ăn đầy bụng khó tiêu, đậu phụ âm hàn, ăn vào thì nam sẽ bều bệu phúng phính như nữ. Trong khi đó người biết luyện âm dương sẽ làm nó thành nhiều thức cực dương khác như miso, tamari… Chúng ta nên thấy một điều nực cười là ĐẬU TƯƠNG ÂM mà sao ai cũng ăn lắm MISO và TAMARI thế???
Đó là chúng ta đã nhìn mọi thứ đứng im và riêng lẻ mà không biết dùng âm dương kết hợp để biến đổi.
Có một lần tôi nêu vấn đề rằng trong dân gian có câu “Măng giang, trám trắng, vừng đen – Ai đang mụn nhọn chớ nên ăn vào” Thực tế thì có nhiều người ăn gạo lứt muối mè đen mà bị lở miệng. Thậm chí có 1 nhà nghiên cứu còn nói rằng chất omega 6 trong vừng làm hại gan thận. Rồi có một bs Đông Y nói rằng anh vẫn cho bệnh nhân uống toa thuốc gồm vừng đen + đỗ đen + ngải cứu + gừng đun lấy nước uống. Câu chuyện cũng giống như chuyện thường ngày trong làng thực dưỡng mà thôi, ai cũng đúng, mà cũng không ai đúng. Toa thuốc bổ máu đó rất đúng, nhưng đấy là họ uống nước luộc vừng mà không phải ăn cái vừng, không phải ăn vừng rang. Dầu vừng, bã vừng, vừng rang, vừng hấp, vừng ninh, vừng đồ 9 lần, vừng hấp rồi rang… đều có dược tính và tác dụng khác nhau.
Đó là chúng ta đã nhìn mọi thứ giống nhau mà không đủ tính tế để biết nó khác nhau ở đâu.
Đang viết nhân tiện đọc được chỗ này. Trong bài này bác NVT nói bệnh thiếu máu là bệnh âm, Tôi thì thấy âm hay dương vẫn thiếu hết, vấn đề chuyển hóa thức ăn của bạn như nào, cứ nhai cốm rang không thì không chỉ thiếu máu mà còn sinh đủ thứ bệnh. Bạn nào không tin thì có thể thử. Tại sao?
Một là nếu chỉ dương không thì cơ thể cũng phải rất mệt mỏi để tiêu hóa được vật chất đó, năng lượng như đứng im, Ăn cốm rang có thể thấy đầy bụng và khó tiêu.
Hai là cốm rang là thức rang, làm không cẩn thận sẽ bị hư hỏa, cốm rang nhai không cẩn thận sẽ làm axit máu.
Cá nhân tôi thì khuyên bạn đừng bao giờ ăn cốm rang, bạn có thể ăn gạo rang thì được. Cốm rang ăn chỉ tổ khát nước và axit máu, năng lượng thì chả có, vì nó bị tung hết ra rồi.
NHỮNG MÂU THUẪN
Trong sách có những bảng phân định âm dương, nghĩa là liệt những gì vào dạng âm hay dương, âm cấp độ mấy dương cấp độ mấy. Nhưng đôi khi có nhiều thứ trong thực tế không biết giải thích ra sao và thực sự nhiều người mới tiếp cận âm dương thấy bối rối, còn những người kỳ cựu thì đầy mâu thuẫn với nhau.
Ví dụ một số trường hợp:
Nếu lấy mặt đất làm đường biên thì những gì dưới đất (củ, rễ) được coi là dương và những gì trên mặt đất được coi là âm. Những gì càng đâm sâu xuống dưới đất càng dương và càng mọc trên cao cách đất càng âm. Vậy thì khoai lang khoai tây phải là dương nhưng thực tế lại coi nó là âm. Gừng phải là dương nhưng lại thấy người ta bảo là âm. Thật không thể hiểu nổi.
Nếu lấy màu sắc mà phân chia thì ngườii ta sẽ nói cà rốt màu đỏ dương hơn ngưu bàng màu trắng nhưng thực tế người ta lại coi ngưu bàng là dương nhất (hơn cà rốt ).
Khí hậu nóng là dương. Trong dương thì sinh âm nên những thứ trong vùng nóng có tính bành trướng, phát triển. VD ở miền Nam thì cây cối phát triển, hoa quả nhiều hơn, con người hướng ngoại năng động hơn miền Bắc. Nếu theo tiêu chuẩn đó thì rượu, ớt cay nóng phải là dương nhưng thực tế người ta lại xếp nó vào âm.
Ăn ớt cay nóng, uống rượu cũng cay nóng làm mọi thứ bung ra, li tán, làm tán khí. Người ta xếp ớt và rượu là cực âm.
Lửa cũng nóng, lửa làm mọi thứ bung ra, li tán, bốc lên, tan chảy cả sắt thép. Sức công phá của lửa rất lớn. Lửa cũng lại làm mọi thứ khô cứng co rút lại. Người ta lại xếp lửa là dương và hay nói dùng lửa làm dương hóa thức ăn.
Muối mặn làm mọi thứ co rút, người ta nói muối dương. Ở trong nước biển dương nên sinh ra các loài âm có hình dạng to lớn như các loại cá biển. Nếu đi càng sâu xuống đáy biển áp suất càng lờn, càng gần tâm trái đất càng dương hơn thì không còn các loại sinh vật to lớn mà chỉ có các loài sinh vật dẹt (hình dáng dương). Có vẻ như âm dương cứ đảo lộn. Lúc thì dương làm mọi thứ co rút (nước biển mặn), lúc thì dương làm mọi thứ bành trướng (khí hậu nóng)
Có người nói người già dương, nhưng người ta cũng nói trẻ con dương, thế thì loại nào sẽ âm, chắc là trung niên?
Cái gì đem nấu người ta cũng nói là dương hóa, gạo nấu thành cơm cũng nói dương hóa, gạo rang thành trà cũng nói là dương hóa. Có trường hợp nào nấu mà làm âm hóa đi không?
Cá nhân tôi thì nhìn ngưu bàng, lửa là thứ cực âm, liệu có gì sai không?
Tất cả những điều này thật là mâu thuẫn!
Dường như đây như một ma trận không có lối thoát, đầy mâu thuẫn. Có cách nào để hiểu được những điều mâu thuẫn này để thấy chúng không còn mâu thuẫn, căn cứ vào đâu, tiêu chuẩn nào?
HÌNH & KHÍ
Vấn đề này không được viết trong sách thì phải hoặc không được viết rõ. Dường như tôi cũng không đọc sách mà học qua người khác nên những gì tôi viết có thể khác sách, trái ngược sách, hoàn toàn mang tính cá nhân. Bạn thấy có lý thì theo, không đúng thì bỏ qua.
Một đối tượng luôn luôn có ít nhất 2 hệ qui chiếu, 2 hệ qui chiếu này không tách rời mà thể hiện nhau. Đó là HÌNH & KHÍ hay NĂNG LƯỢNG (Energy) & VẬT CHẤT (Matter). Có thể nói nó được minh họa bằng công thức E = mc2 trong thuyết Tương Đối của Einstein. Vật chất biểu hiện năng lượng, hình biểu hiện khí. Trong sách người ta không nói rõ đang xét hình hay khí. Sự vừa tinh tế vừa mập mờ hay ngầm định này làm cho mọi người như bị hỏa mù, thấy đầy mâu thuẫn khi đọc sách về âm dương. Cùng một sự vật hiện tượng, cùng một tính chất mà cái này lại nói âm cái kia lại nói dương, đơn giản là vì đang không nói cùng một hệ qui chiếu.
Một vài ví dụ.
Người ta nói người già dương hơn người trẻ, nếu dương hơn thì họ phải khỏe hơn nhưng sao họ yếu hơn và đang trên quá trình tận diệt. Họ nói dương là đang nói về hình, vẻ bề ngoài, vật chất đang co rút. Còn nói họ đang âm là đang nói về khí, về năng lượng, khí hay năng lượng đang li tán, thoát dần đến lúc cạn kiệt. Thế nên nói người già âm hay dương đều đúng nhưng cần hiểu đang nói về hình hay khí, về vật chất hay năng lượng.
Người ta nói trẻ con dương vì nó chạy nhảy chơi đùa suốt ngày. Ý là nói về khí, về năng lượng. Còn về hình thì nó đang trong quá trình bành trướng, to lớn dần (âm dần).
Một cành cây khô người ta nói nó dương vì hình của nó co rút khô cứng lại. Nhưng cũng có thể nói nó âm vì khí đã cạn kiệt, năng lượng đã chết. Nếu tiếp tục đem sấy khô hoặc đốt thì hình nó còn dương hơn nữa, khô kiệt, và năng lượng tiềm ẩn trong vật chất lại được giải phóng thêm nữa (âm hơn nữa).
Trong sách thường người ta nói âm dương là nói về hình vì chúng ta nhìn bằng mắt chỉ thấy hình. Dường như các qui luật âm dương đang áp dụng cho hình mà không phải khí. Âm là li tâm, bành chướng còn dương là hướng tâm, co rút. Trực quan mà nói thì ngừoi ta thấy vật chất tan rã (hình ly tâm – âm) thì giải phóng năng lượng (khí hoạt – dương). Ít có chỗ nào nói về khí hoặc nói rõ về khí. Hình như ở quyển nào đó chỉ có 1 câu qui định về khí.
KHÍ DƯƠNG là khí HOẠT, LƯU THÔNG,
KHÍ ÂM là khí TĨNH, Ì TRỆ.
ĐÔNG Y nhìn vào KHÍ còn THỰC DƯỠNG nhìn vào HÌNH nên đôi khi chúng ta thấy các tiêu chuẩn âm dương của đông y và thực dưỡng dường như đảo lộn. Đông Y nói dương thăng (ly tâm) âm giáng (hướng tâm cầu) còn thực dưỡng thì ngược lại. Thực ra 2 quan điểm này đang mô tả 2 mặt của cùng một sự vật mà thôi.
Ví dụ:
Củ ngưu bàng cực dương là đang nói về hình, hình dài, đâm sâu xuống đất; cực âm là đang nói về khí, khí có rút vào trong quá đến mức tĩnh, hàn lạnh. Chế biến ngưu bàng là rất khó, rất khó có thể lôi được năng lượng của nó ra ngoài. Nếu không lôi được nó ra ngoài thì dùng nó một là bị hàn lạnh, hai là năng lượng không cao. Việc của âm dương là lôi được năng lượng cực lớn chìm cực sâu của ngưu bàng ra ngoài. Nếu làm được thế thì ngưu bàng quí như linh đơn.
Thực ra nhìn về hình không thì rất hạn chế và dễ nhầm. Ví dụ củ ngưu bàng nó đâm sâu xuống đất thật, nhưng nó màu trắng và rất mềm. Nếu so với củ màu đỏ cứng, cũng đâm xuống đất ví dụ như cà rốt thì chưa biết củ nào dương hơn củ nào. Cần phải xét về năng lượng và chiều hướng của khí mới biết thực sự củ nào dương hơn (năng lượng tiềm ẩn).
Về hình có nhiều biểu hiện để xét nó âm hay dương như củ ngưu bàng thì dài, đâm sâu xuống đất, trắng, mềm. Đôi khi các biểu hiện này không thể hiện cùng một tính chất mà thể hiện tính chất ngược nhau. Ví dụ dài đâm sâu xuống đất thì biểu hiện về hình là rất dương nhưng màu trắng mềm lại là biểu hiện của âm. Nên nhiều khi người ta sẽ không biết thực sự nó như nào, phân định nó là âm hay dương. Ở bài sau chúng ta sẽ rõ hơn khi tìm hiểu về vectơ âm dương.
Ta có thể dễ thấy trường hợp HÌNH ÂM thì KHÍ DƯƠNG và ngược lại HÌNH DƯƠNG thì KHÍ ÂM. Như các ví dụ ở trên về người già, trẻ em, cành cây khô. Trường hợp này có thể nhìn hình đoán khí, nhìn vật chất mà đoán năng lượng. Nhưng cũng có trường hợp HÌNH ÂM – KHÍ ÂM, HÌNH DƯƠNG – KHÍ DƯƠNG thì khó mà nhìn hình thấy khí, trường hợp này phải xét quá trình diễn biến âm dương trước đó và sau đó, xem sự hình thành âm dương trước đó như nào và sự ảnh hưởng của âm dương (đến người dùng) sau đó như nào. Xét tính âm dương của khí thì ngoài tính chất còn phải xét đến chiều hướng, cường độ, tính chất. Nhìn hình thì có thể dùng mắt còn nhìn khí thì phải dùng trí phán đoán.
Hình Âm – Khí Âm: Cháo nấu bằng lò vi sóng. Hình thì tan rã và khí thì li tâm. Nếu biểu thị vector lực thì nó là 1 vector mảnh và dài.
Hình Âm – Khí Dương: Cháo nấu bằng bếp củi. Hình tan rã và khí cũng li tâm nhưng chỉ ở mức chuyể từ dạng chìm sâu sang dạng bên ngoài, dễ hấp thu, dễ sử dụng. Nếu biểu thị vector lực thì nó là 1 vector dầy và ngắn
Hình Dương – Khí Âm: Trà gạo rang không được hạ thổ. Hình co rút và khí được lửa lôi ra ngoài quá mức thành li tâm quá mạnh. Nếu biểu thị vector lực nó là 1 vector vừa dầy vừa dài.
Hình Dương – Khí Dương: Trà gạo rang đã được hạ thổ đúng cách. Hình co rút và khí được lửa lôi ra ngoài nhưng được hạ thổ nên đã hãm lại. Nếu biểu thị vector lực thì nó là 1 vector dày và ngắn.
Trong ví dụ trên nếu không xét về cường độ và chiếu hướng của vector lực, vector khí (năng lượng) thì không thể nhìn hình mà đoán khí. Ai cũng sẽ lầm tưởng rằng trà gạo rang là dương. Ai cũng sẽ lầm tưởng rằng lửa sẽ làm dương hóa thức ăn trong mọi trường hợp (làm gì có chuyện đó). Tùy theo thức ăn là là thức như thế nào, tùy theo cách chế biến như thế nào mà nó sẽ ra âm hay dương.
Cái nhìn về hình chỉ là cái nhìn bề ngoài và người ta sẽ còn bối rối và nhầm lẫn nếu không thấy được cái bên trong là khí và năng lượng. Và thực chất quá trình tương tác âm dương là quá trình của khí và năng lượng. Nhưng không ai nhìn thấy được khí và năng lượng bằng mắt thường nên người ta phải mượn hình (vật chất) để diễn đạt và biểu hiện.
Cũng như vậy, ngôn ngữ (từ ÂM – DƯƠNG) cũng chỉ là hình, cái biểu hiện bên ngoài, còn bản chất bên trong là gì, nó nói gì, mô tả gì thì thực sự là sâu xa, vô cùng. Nếu bạn chỉ nhìn vào hình, bám vào từ ngữ thì chắc chắn còn nhiều hạn chế và nhầm lẫn. Người ta dùng cùng 1 từ âm để nói mồng tơi rất âm, cải bắp rất âm, cà chua rất âm (lá, quả trên cao, có tính hàn lạnh), và cũng cùng 1 từ âm cũng để nói gừng rất âm, ớt rất âm, rượu rất âm (những thứ nóng), và cũng cùng 1 từ âm người ta nói khoai rất âm (những thứ nằm dưới đất)… Tất cả những thứ này bên ngoài thì có thể mô tả giống nhau nhưng về khí thì đường đi, chiều hướng, tính chất, cường độ rất khác nhau. Làm sao để bạn có thể phân biệt được sự khác nhau của những thứ này và sử dụng như thế nào? Quá là khó!
Kết quả cuối cùng của cái nhìn âm dương là phải thấy được khí và năng lượng của đối tượng đó như nào – chiều hướng (phải trái, lên xuống, vào ra), cường độ (mạnh nhẹ), tính chất (nóng lạnh), vị trí (cao thấp)…
-còn tiếp-